Xem ngay ngành Công nghệ thông tin của Đại học xây dựng

Năm 1991, trường Đại học Xây dựng mở ngành Tin học Xây dựng. Năm 2001, Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Quyết định số 518/QĐ-BGD&ĐT/ĐH cho phép trường Đại học Xây dựng đào tạo đại học hệ chính quy ngành Công nghệ thông tin. 

Xem ngay ngành Công nghệ thông tin của Đại học xây dựng

1. Thông tin cơ bản

  • Hình thức đào tạo: chính quy, tập trung
  • Chương trình đào tạo: 5 năm (có thể hoàn thành trong 4,5 năm theo khả năng của sinh viên)
  • Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Kỹ sư

2. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo kỹ sư Công nghệ thông tin có kiến thức cơ bản và nâng cao về lĩnh vực Công nghệ thông tin, có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, có khả năng thích ứng với sự phát triển của công nghệ và môi trường công việc, đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT ngày càng cao trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

3. Nhu cầu nhân lực xã hội

Nền kinh tế tri thức không thể thiếu các kỹ sư CNTT.  Hầu hết các lĩnh vực đều cần ứng dụng CNTT để vận hành và quản lý hiệu quả.

Nhu cầu nhân sự của ngành công nghệ thông tin

Hiện nay, với sự bùng nổ của Công nghệ thông tin và truyền thông như Internet, mạng viễn thông di động, thương mại điện tử…, nhu cầu nguồn nhân lực cho việc thiết kế, phát triển, vận hành các ứng dụng dịch vụ CNTT ngày càng gia tăng. Các lĩnh vực đặc biệt cần nhiều nhân lực CNTT gồm: phát triển và gia công phần mềm, giải pháp hệ thống thông tin, viễn thông di động, dịch vụ Internet, truyền hình số, nội dung số và giải trí, tài chính ngân hàng…

4. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT trường ĐHXD có thể đảm nhận tốt các vị trí sau:

  • Cán bộ kỹ thuật, quản lý điều hành, quản trị dự án trong lĩnh vực CNTT
  • Chuyên viên tin học trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức doanh nghiệp
  • Kỹ sư phát triển phần mềm, chuyên viên kiểm thử phần mềm tại các công ty giải pháp phần mềm
  • Kỹ sư hệ thống thông tin, chuyên viên quản trị hệ thống mạng, chuyên gia an ninh mạng và bảo mật
  • Lập trình viên ứng dụng di động, phát triển game
  • Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy về CNTT tại các Viện, Trường và Trung tâm nghiên cứu…
  • Kỹ sư nghiên cứu và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp ứng dụng CNTT

Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ  khóa 46 đến nay hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng như giám đốc kỹ thuật, quản trị dự án, trưởng nhóm, chuyên viên cấp cao tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin như: VNPT, Viettel, Samsung Electronics, Công ty phần mềm FTP Software,  Công ty hệ thống thông tin FPT Information System, Tập đoàn CMC, Công ty phần mềm VietSoftware International, Tập đoàn truyền thông đa phương tiện VTC Multimedia Corporation, Tập đoàn truyền thông An Viên AVG Group, Ngân hàng SeaBank, Techcombank, Bảo Việt, Hãng hàng không Vietnam Airline…Một số sinh viên đang là cán bộ giảng dạy tại Khoa Công nghệ thông tin của các Trường Đại học và Cao đẳng như: Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Xây dựng, Trường Cao Đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Nội, Học viện quản lý giáo dục…

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn tham gia vào các công ty xây dựng, doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…  với vai trò chuyên viên Công nghệ thông tin, quản trị hệ thống, chuyên viên phân tích nghiệp vụ.

5. Thông tin về đào tạo

Trong 3 năm đầu,  sinh viên được trang bị kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở ngành CNTT.  Từ năm thứ 4, sinh viên được chọn 1 trong 2 chuyên ngành:

  • Công nghệ phần mềm
  • Mạng và hệ thống thông tin

Thông tin về đào tạo chuyên ngành

Việc phân chia chuyên ngành giúp sinh viên lựa chọn và đi sâu vào 1 lĩnh vực cụ thể để có thể tích lũy  kiến thức và kỹ năng chuyên sâu hơn, tăng khả năng thích ứng với công việc sau khi tốt nghiệp và tiếp tục học lên cao.

  a. Chuyên ngành Công nghệ phần mềm      

Công nghệ phần mềm là một trong các chuyên ngành chính được giảng dạy trong ngành Công nghệ thông tin của các trường đại học kỹ thuật. Nội dung của chuyên ngành bao gồm những khái niệm cơ bản và các kiến thức nâng cao liên quan đến các phương pháp và công cụ trợ giúp phát triển phần mềm một cách hiệu quả, tin cậy và tiết kiệm.

Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Công nghệ phần mềm, bao gồm các kỹ thuật và công nghệ để:

  • Thu thập, phân tích và tổng hợp yêu cầu về phần mềm từ người sử dụng
  • Thiết kế phần mềm
  • Phát triển phần mềm
  • Triển khai thực hiện và quản lý các dự án phát triển phần mềm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong điều kiện thực tế
  • Các kỹ thuật về đánh giá chi phí, đảm bảo chất lượng của phần mềm
  • Các kỹ thuật kiểm thử, bảo trì và xây dựng tài liệu kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống
  • Áp dụng tri thức Khoa học máy tính, quản lý dự án để nhận biết, phân tích và giải quyết sáng tạo và hiệu quả những vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và phát triển phần mềm máy tính

  b. Chuyên ngành Mạng và hệ thống thông tin

Mạng và hệ thống thông tin là một chuyên ngành trọng điểm của ngành công nghệ thông tin, được đưa vào giảng dạy tại hầu hết các khoa CNTT. Nội dung của chuyên ngành tập trung vào hai trọng tâm: Mạng hội tụ (Internet và mạng máy tính, mạng di động, mạng cảm biến…) và Hệ thống thông tin.

Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Mạng và Hệ thống thông tin  bao gồm các kiến thức, kỹ thuật và công nghệ để:

  • Nghiên cứu, thiết kế, triển khai và quản trị các hệ thống mạng
  • Phát triển các ứng dụng đa phương tiện trên mạng máy tính, mạng di động và thiết bị di động, kết hợp với xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây
  • Phân tích, thiết kế, xây dựng và điều hành hoạt động của các hệ thống thông tin, thiết kế và triển khai đề án CNTT
  • Sử dụng công nghệ tri thức trong tổ chức kho dữ liệu, khai phá dữ liệu
  • Đề xuất và triển khai các giải pháp sử dụng hệ thống thông tin hiệu quả, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin và mạng máy tính

  c. Trang bị kỹ năng mềm

        Sinh viên ngành CNTT còn được trang bị kỹ năng mềm thông qua việc thực hiện các đồ án môn học, nghiên cứu khoa học sinh viên, thực tập và đồ án tốt nghiệp

  • Kỹ năng phân tích tổng hợp và giải quyết vấn đề, kỹ năng tự học thêm kiến thức mới thuộc chuyên ngành
  • Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm
  • Kỹ năng đọc hiểu và sử dụng tiếng Anh chuyên ngành
  • Kỹ năng thuyết trình
  • Kỹ năng lập kế hoạch, định hướng nghề nghiệp và mục tiêu cho bản thân

6. Cơ hội học Song bằng, Văn bằng 2 và Thạc sỹ

Học song bằng và văn bằng 2 tất cả các ngành trong Trường Đại học Xây Dựng (trừ ngành Kiến trúc và ngành Quy hoạch vùng và đô thị)

Sau khi hoàn thành bằng đại học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có thể học văn bằng 2 và được bảo lưu tất cả các môn đã học và thi đạt. Học văn bằng 2 giúp tăng cơ hội việc làm, tăng khả năng ứng dụng kiến thức và kỹ năng CNTT vào chuyên môn của ngành khác, linh hoạt hơn trong nghề nghiệp.

Ngành học thạc sỹ của sinh viên sau khi tốt nghiệp (không cần học chuyển đổi hoặc bổ sung): Thạc sỹ Công nghệ thông tin với các chuyên ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Truyền thông mạng máy tính tại các Trường có chương trình đào tạo Thạc sỹ Công nghệ thông tin

Bình luận