Công nghệ thông tin vẫn luôn là “mảnh đất màu mỡ” cho các start-up khát khao làm giàu với ưu điểm là vốn đầu tư ít, khả năng quay vòng nhanh. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều thách thức vô cùng lớn với cộng đồng start-up.
Trong những năm gần đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục diễn biến đầy sức sống và tiềm năng, chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ, thành công sớm, nhanh và hướng đến sự bền vững, hòa nhập với xu hướng khởi nghiệp khu vực và thế giới.
Trong đó, sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin đã tạo nhiều điều kiện để các bạn trẻ khởi nghiệp được cọ xát và học hỏi. Đặc biệt là sự thành công của Flappy Bird và hàng loạt dự án công nghệ khác đã kích thích các cá nhân, nhóm lập trình viên tích cực xây dựng các dự án khởi nghiệp ngành công nghệ.
Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang được tạo điều kiện phát triển. So với các ngành khác, không quá khó để tìm kiếm cơ hội cho một bạn trẻ có thể thử sức khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, việc này tạo nên sức ép cạnh tranh, trong việc tìm kiếm thị trường, gọi vốn đầu tư, tạo ra vô vàn những thách thức khó nhằn cho các bạn trẻ muốn thành công trong lĩnh vực này.
Công nghệ thông tin đang là lĩnh vực thu hút nhiều bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.
Khi khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin hoặc bất cứ ngành nghề nào, dễ hay khó, thành công hay thất bại tùy thuộc rất lớn vào tầm nhìn chiến lược của mỗi doanh nghiệp. “Ngựa hay phải chạy đường dài”, điều cần ở người trẻ là phải tập trung vào việc đánh giá thị trường, nghiên cứu sản phẩm và hoạch định chiến lược trong thời gian dài, thông thường là từ 3 đến 5 năm cho một dự án khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Trong chương trình “Khởi nghiệp cùng Công nghệ thông tin”, ông Lữ Thành Long – Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA, Phó Chủ tịch Vinasa cho rằng, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải chấp nhận trải qua nhiều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Theo ông Long, để khởi nghiệp cần vô số thứ để chuẩn bị, nhưng cần nhất là 5 việc như: Biết lập kế hoạch kinh doanh; được cố vấn phản biện về ý tưởng; biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn; biết thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp; và cuối cùng là biết cách tổ chức doanh nghiệp để hoạt động.