Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập sẽ diễn ra sau khoảng 2 tuần nữa, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh. Cả nước sẽ có hàng chục nghìn học sinh trượt suất vào lớp 10 công lập nên các học sinh đang rất lo lắng.
Những áp lực của học sinh
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội sẽ được tổ chức vào các ngày 2 – 3.6 với các môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Theo ý kiến của phụ huynh, nhiều cha mẹ và học sinh đã “bị động” đối với môn thi thứ 4 – môn lịch sử sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố ngày 11.3. Bởi trong khoảng thời gian gần 3 tháng, nhiều phụ huynh và học sinh phải “vắt chân lên cổ” tìm lớp ôn luyện, tìm mua sách ôn luyên bổ sung kiến thức môn sử.
Anh Lý Thế Anh, có con năm nay thi vào lớp 10 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã cấp tốc lên mạng tìm lớp học thêm môn sử để con hệ thống lại toàn bộ kiến thức cho con và mua sách ôn luyện để hai bố con cùng “song hành”. Vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội đã đưa 24 bộ đề ôn thi trực tuyến môn Lịch sử lớp 9 lên trang mạng xã hội trực tuyến để học sinh truy cập và ôn tập. Nhiều đêm, bố con tôi cùng thức đến 1 – 2h sáng để luyện thi. Sáng 6h dậy để chuẩn bị đi học, con tôi thều thào nói: Trong giấc ngủ của con cũng toàn mơ về môn sử” – anh Thế Anh than thở.
Để giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh, nhiều chuyên gia giáo dục đã đưa ra những lời khuyên cho rằng phụ huynh học sinh đừng tạo áp lực quá cho con, học sinh căng thẳng quá mức độ tiếp thu sẽ không tốt. Hiện nay, học sinh có rất nhiều sự lựa chọn và học nghề cũng là một trong những phương án tốt.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh THCS không học lên THPT mà chọn cho mình con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông.
Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên CĐ,… mà không nhất thiết vào học THPT.
Phụ huynh nên hướng nghiệp cho con từ THCS
Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thu Thảo có con đang học tại một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, tại buổi họp phụ huynh để chuẩn bị cho con thi vào lớp 10, cô giáo chủ nhiệm đã tư vấn để phụ huynh và học sinh lựa chọn đó là đăng ký theo học tại một số trường cao đăng nghề trên địa bàn Hà Nội.
Học sinh tham gia vào buổi tư vấn hướng nghiệp ở trường THCS
“Với sức học của con tôi và lời gợi ý của cô giáo chủ nhiệm, tôi đã đăng ký cho cháu học tại Trường Cao đẳng tại Hà Nội. Theo nghiên cứu của tôi, học sinh được học song song 2 chương trình “Giáo dục THPT và Giáo dục nghề nghiệp” trong 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp 2 văn bằng (THPT, CĐ chính quy) và có nghề, lại dễ xin việc” – chị Thảo nói.
Phụ huỳnh nên tìm hiểu mong muốn của con em để hướng dẫn cho các em lựa chọn con đường đi tốt nhất. Các trường dạy nghề là lựa chọn tốt nếu con em học không tốt, và có mong muốn học nghề.
Theo Lao động