Sinh viên (SV) sư phạm ra trường không làm đúng ngành và thất nghiệp rất đông trong khi ngân sách nhà nước cho các trường sư phạm chênh lệch rất nhiều so với các trường khác, tạo sự bất công.
Không miễn học phí cho sinh viên học sư phạm làm trái ngành
Sáng 18-10, tại hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay,PGS-TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết như trên.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đầu tư 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách còn bất hợp lý, dẫn tới hiệu quả thấp.
Cụ thể, ngân sách được phân bổ cho các cơ sở đào tạo ĐH tăng hằng năm 5%-10% tùy khả năng bố trí của ngân sách, phân bổ bình quân giữa các ngành đào tạo. Cách phân bổ này không tạo động lực cho các trường trong việc đầu tư nâng cao chất lượng.
Ông Giang cho rằng hiện ngân sách đang phân bổ trên số lượng sinh viên (SV) mà không quan tâm đến chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo ĐH. Thực tế như ĐH Sư phạm TP.HCM, ngân sách nhà nước phân bổ cho trường lên gần 50% và hầu như toàn bộ SV sư phạm trên cả nước đều được miễn học phí. Thế nhưng SV sư phạm ra trường thất nghiệp, làm trái ngành rất nhiều, chỉ một phần nhỏ làm công tác giảng dạy. Trong khi đó có rất nhiều ngành nghề xã hội đang cần thì lại chỉ được phân bổ ngân sách ở mức 12%-15%.
Học sư phạm là lựa chọn của nhiều bạn thí sinh
Từ thực tế trên, ông Giang đề nghị nên đổi mới mô hình phân bổ ngân sách, nâng mức học phí để bù đắp chi phí đào tạo. Cùng với đó là cân nhắc điều chỉnh chính sách miễn, giảm học phí đối với SV sư phạm phù hợp với yêu cầu phát triển. Khi nhu cầu giáo viên cơ bản được đáp ứng và chỉ một số ít SV sư phạm được làm đúng nghề thì việc miễn, giảm học phí với SV sư phạm không còn phù hợp.
“Cần xác định số lượng SV sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo. SV được đặt hàng đào tạo không phải trả học phí và có trách nhiệm cam kết và thực hiện theo sự phân công của Nhà nước. Hoặc những SV ra trường công tác trong ngành sư phạm một thời gian nhất định sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí” – ông Giang nói.
Đồng quan điểm với TS Giang, ông Bành Tiến Long, ĐH Bách khoa Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, cho rằng nên phân bổ ngân sách theo chất lượng đầu ra của mỗi trường, nhất là ngành sư phạm. Cạnh đó cũng cần xem lại việc miễn, giảm học phí và phân bổ ngân sách.
HÀ PHƯỢNG
Nguồn: plo.vn – 18/10/2017