Các công ty Nhật Bản đang đối phó với vấn đề thiếu hụt nhân tài CNTT bằng việc tăng lương thưởng hậu hĩnh cho nhân viên.
Mới đây, công ty NTT Data trực thuộc tập đoàn NTT đã công bố hệ thống bậc lương dựa trên hiệu suất mới nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và IoT. Theo hệ thống này, mức lương hàng năm sẽ ở mức từ 20 tới 30 triệu yên, tương đương từ 177.000 USD tới 266.000 USD, ngang bằng mức thu nhập của các cán bộ quản lý cấp cao của NTT hay nhân sự ở các công ty nước ngoài. Ngoài ra, không có giới hạn cho mức lương cao nhất dựa trên năng suất công việc. Mức lương trung bình của NTT đang ở 8,2 triệu yên (72.000 USD).
Nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin di động LINE cũng mời gọi các kỹ sư IT mới ra trường với mức lương từ 10 tới 20 triệu yên một năm. Còn nền tảng thương mại điện tử ZOZO đã tuyên bố về mức lương cho các chuyên gia kỹ thuật siêu đẳng lên tới 100 triệu yên một năm.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, các ngành nghề khác cũng đang chứng kiến cuộc đua lương thưởng nhằm thu hút nhân tài. Fast Retailing, công ty điều hành hệ thống bán lẻ cho Uniqlo, đang tuyển dụng nhân sự IT nhằm phục vụ cho hệ thống logistics và dự báo nhu cầu, thậm chí còn tìm kiếm ở Thung lũng Silicon và các địa điểm nước ngoài khác với quảng cáo mức thu nhập từ 20 triệu yên, cao hơn nhiều nhân lực ở các bộ phận khác.
Ngành công nghệ thông tin ở Nhật có lương kỹ sư IT tăng cao
Dự kiến tới năm 2020, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 48.000 kỹ sư ở các lĩnh vực như AI và IoT, theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản. Trong khi đó, thu nhập trong ngành IT tiếp tục tăng vọt. Những người nhảy việc trong ngành này nhận thấy lương hàng năm của họ tăng khoảng 19% so với cách đây 3 năm, và cao hơn trung bình toàn thị trường lao động khoảng 11%.
Các công ty nước ngoài cũng đang vật lộn nhằm thu hút được nhân sự IT có chất lượng. Những kỹ sư cao cấp ở Google hay các hãng công nghệ Mỹ khác thu nhập khoảng 300.000 USD tới 350.000 USD một năm, bao gồm cả phần thưởng, còn có những người ở mức 500.000 USD một năm. Mức thu nhập khủng đó đã kéo được hàng loạt kỹ sư của nhiều công ty Nhật, vốn bị kiềm chế bởi hệ thống lương chặt chẽ.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, một số doanh nghiệp đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ, bao gồm cả tăng quyền lợi và thêm phần tự do. Vào năm 2017, SoftBank đã đưa ra hệ thống Super Flextime, cho phép người làm công có thể đến và về bất kỳ lúc nào họ mong muốn. Hệ thống này được áp dụng hơn 10.000 người lao động. Nhiều chuyên gia nhân lực khuyến nghị các công ty nên để chính lực lượng IT tham gia vào quá trình tuyển dụng để đạt được kết quả tốt nhất với những hiểu biết và đề xuất của họ.