Chắc hẳn đây là những băn khoăn không nhỏ của các bạn học sinh cuối cấp khi đứng trước những lựa chọn về ngành nghề. Nếu bạn đam mê lĩnh vực kinh doanh và nhất là khi bạn có chí lớn, muốn bán buôn “toàn cầu” thì sau đây là những điều bạn phải biết về ngành “Kinh tế Quốc tế”, một ngành “hot” hiện nay và dự tính sẽ cần nhiều nhân lực trong tương lai. Hãy cùng chúng tôi xem và tham khảo nhé :
Làm gì và học gì khi theo học ngành kinh tế quốc tế?
1. Học các kỹ năng có thể chuyển đổi được
Ngay từ khi bắt đầu, những kỹ năng bạn có được từ một chương trình đào tạo về kinh doanh sẽ ứng dụng được trong tất cả các ngành nghề hay chức vụ mà bạn sẽ công tác trong tương lai. Trọng tâm của chương trình này là đào tạo cho sinh viên có tư duy phản biện, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và quản lý thời gian hợp lý. Khi hoàn thành xong chương trình đào tạo này, bạn sẽ sở hữu các kỹ năng có thể kể đến như:
- Thuyết trình và viết báo cáo
- Quản lý nguồn tài nguyên
- Tự tạo động lực cho bản thân
- Diễn dịch dữ liệu tài chính
Tất cả những kỹ năng này đều có lợi cho bạn ở bất cứ công việc nào, kể cả khi nó không hề liên quan đến kinh doanh. Khả năng tư duy phản biện và đưa ra quyết định nhanh chóng không chỉ giúp ích cho đời sống công việc mà còn cho cả đời sống cá nhân của bạn.
2. Những lựa chọn nghề nghiệp với thu nhập cao
Với mức lương khởi điểm trung bình là 55 000 USD/năm, tấm bằng của ngành kinh doanh sẽ mang lại cho bạn những việc làm với mức thu nhập cao ngay từ đầu hoặc sẽ tăng dần về sau. Thực tế, mức lương khởi điểm của người trong lĩnh vực này chỉ cao sau lĩnh vực kĩ sư và khoa học máy tính. Đây là điều đáng mừng cho những người vay vốn sinh viên và lo lắng về việc đi làm để trả nợ sau khi tốt nghiệp. Từ đó có thể thấy, học kinh doanh là một mối đầu tư đáng giá khi cái lợi thu về là không nhỏ.
3. Đột phá bản thân
Ngay cả khi bạn không muốn làm kế toán, cũng chẳng muốn làm quản lý tài chính, thì một tấm bằng về kinh doanh cũng sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn thế. Ví dụ đam mê thực sự của bạn là chế tạo đồ trang sức, và giấc mơ của bạn là tự kinh doanh trang sức thủ công thì việc biết làm đồ trang sức chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh mà bạn muốn vẽ nên. Để thành công, bạn cần biết cách lập nên một kế hoạch tài chính chi tiết và khả thi, đi tìm nguồn đầu tư cho doanh nghiệp của bạn, theo dõi mức lợi nhuận – thiệt hại và phải đối mặt với tất cả các khía cạnh của việc kinh doanh với mục đích là sinh lời. Qua đó, phải nhắc lại lần nữa, những gì bạn học được từ chương trình học kinh doanh sẽ giúp ích được bạn trong thực tế.
4. Nhìn mọi việc với góc nhìn toàn cầu hóa
Rất ít các chương trình đào tạo ngày nay thực sự đi sâu vào vấn đề dưới góc nhìn không mang tính “địa phương”, nhưng khi học kinh doanh, bạn buộc phải xem xét mọi thứ theo góc độ toàn cầu, đặc biệt là khi nói đến nền kinh tế thế giới hiện nay. Điều này cực kỳ có lợi cho những ai muốn làm việc trong môi trường quốc tế và toàn cầu. Và đương nhiên, cơ hội du học dành cho sinh viên ngành này – nếu bạn quan tâm – là rất nhiều. Ngay cả khi bạn không chọn đi du học thì bạn cũng sẽ phải làm việc với những sinh viên quốc tế khác để tư duy bạn trở nên đa dạng về văn hóa hơn, đặc biệt là với một vài chương trình học yêu cầu bạn phải đáp ứng một mức độ nhất định về kỹ năng giao tiếp với sinh viên quốc tế.
Nhìn mọi việc với góc nhìn toàn cầu hóa
5. Thỏa mãn không chỉ một đam mê duy nhất
Điều mà một số người thường quên đi khi cân nhắc chọn ngành kinh doanh là, trong nhiều trường hợp, bạn có thể theo đuổi cùng lúc ngành kinh doanh và ngành mà bạn thích. Bằng cách này, nếu bạn hứng thú với ngành kinh doanh nhưng lại muốn sau này làm việc ở một lĩnh vực khác, thì bạn có thể vừa học về lĩnh vực đó, vừa học các khóa học trực tuyến về kinh doanh để được song bằng hoặc tương tự. Việc này khá phổ biến khi các trường đại học cũng đưa ra chương trình song bằng như vậy với thời gian học là 5 năm. Hãy nghĩ đến viễn cảnh có thể làm chéo ngành và sở hữu không chỉ 1 mà tận 2 tấm bằng đại học, giúp bạn theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình, mà chỉ phải học thêm một năm duy nhất.
6. Học đi đôi với hành
Nếu bạn là tuýp sinh viên ngán ngẩm với việc ngồi trong lớp nghe hàng đống lý thuyết suông hay là tuýp chẳng mặn mà gì với việc suốt ngày chỉ có thực hành rồi thực tế, thì chương trình học về kinh doanh sẽ cho bạn một sự cân bằng hoàn hảo giữa học và hành. Một nửa thời gian học của bạn sẽ dành cho việc học các lý thuyết cần thiết, còn lại sẽ dành cho việc ứng dụng các lý thuyết ấy vào thực tế và thực hành. Điều này là luôn đúng nếu bạn học trong một ngôi trường danh tiếng có quan hệ với các doanh nghiệp địa phương. Tại đó bạn sẽ có được những cơ hội thực tập đáng giá và những trải nghiệm gần sát với thực tế nhất. Điều này sẽ trở thành một lợi thế to lớn khi bạn tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm.
7. Có thể học lên cao
Kể cả khi bạn đã sở hữu bằng Cử nhân của một ngành khác thì cũng sẽ có lợi cho bạn nếu bạn chọn học lên cao với chương trình MBA (viết tắt của Master’s in Business Administration: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – người dịch). Có trong tay tấm bằng MBA sẽ giúp ích cho bạn trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn theo đuổi, và rất nhiều trường có chương trình đào tạo MBA với thời gian hoàn thành chỉ vài năm. Bạn có thể vừa học vừa làm (nếu bạn đã có việc làm sau khi nhận bằng cử nhân) vì đa số các chương trình MBA là theo hệ tại chức bao gồm những chương trình học trực tuyến được công nhận. Những lớp học này được tổ chức vào buổi chiều tối, vào cuối tuần hay trực tuyến để thuận tiện cho học viên. Rất nhiều khóa học MBA trực tuyến không yêu cầu bài thi GMAT (viết tắt của Graduate Managment Admission Test: bài thi tiêu chuẩn nhằm đánh giá trình độ và khả năng tiếp thu của học viên khi nộp đơn vào các chương trình sau đại học thuộc chuyên ngành quản trị kinh doanh – người dịch) ở đầu vào.
8. Tận hưởng cảm giác được săn đón
Bạn có biết rằng một sinh viên thuộc lĩnh vực kinh doanh chỉ mất trung bình sáu tháng để kiếm được việc làm sau tốt nghiệp? Đó là bởi vì, với nền kinh tế ngày nay thì nhu cầu thuê sinh viên tốt nghiệp từ ngành kinh doanh là rất lớn, và xu hướng này không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Nếu bạn muốn bắt đầu theo đuổi một sự nghiệp có tính đảm bảo ngay sau khi tốt nghiệp, đây là một lựa chọn không thể thích hợp hơn cho bạn. Chưa kể đến việc cơ hội làm việc của bạn có ở khắp mọi nơi. Bất kể bạn muốn làm việc ở nội địa, hay đi sang nước khác, hay là có đi khắp thế giới đi chăng nữa thì sinh viên ngành kinh doanh thường chẳng mấy khi gặp vấn đề để bắt đầu công việc sau khi tốt nghiệp.
9. Phát triển kỹ năng giao tiếp
Trong chương trình học kinh doanh, bạn sẽ được học các kỹ năng giao tiếp có giá trị và sẽ hữu ích cho bất kỳ công việc nào mà bạn làm sau này. Từ cách viết báo cáo sao cho rõ ràng mạch lạc cho đến cách giao tiếp với những người đến từ nền văn hóa khác, bạn sẽ phát triển khả năng kết nối và giao lưu với những người xung quanh mình. Một phần trọng tâm nữa của việc học kinh doanh là học cách đọc ngôn ngữ hình thể và học cách luyện tập cái gọi là lắng nghe tích cực (active listening). Nếu bạn hiểu rõ thì bạn sẽ thấy những kỹ năng này có ích cho cả công việc và đời sống.
10. Thử thách bản thân
Đang muốn tự tìm cho mình một thử thách nào đó ư? Chương trình học kinh doanh có thể được xem là một trong các chương trình học thách thức nhất, nhưng theo hướng tích cực. Khi bạn đã “vượt qua” được một chương trình học về kinh doanh, bạn sẽ trở thành một người với lối tư duy logic hơn và đầy kiến thức về những thử thách mà bạn sẽ phải đối mặt trong đời mà không cần phải tự mình trải nghiệm chúng (cả trong công việc và cuộc sống). Nếu bạn là tuýp người được người khác tìm đến khi họ muốn tháo gỡ rắc rối, thì bạn có đầy đủ tố chất để theo đuổi ngành kinh doanh.
11. Tự mình làm chủ
Ai mà chưa từng mơ đến ngày bản thân mình sẽ trở thành ông/bà chủ? Giấc mơ đó của bạn sẽ trở thành hiện thực với sự giúp đỡ của các kỹ năng bạn học được từ chương trình học kinh doanh. Từ việc học quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan cho đến việc quản lý thu – chi trong một bản báo cáo, hay việc làm sao để thu hút khách hàng, sẽ mang lại cho bạn những kỹ năng cần thiết để tự mình kinh doanh. Cho dù giấc mơ của bạn là xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh hay chỉ đơn giản là trở thành một nhà thầu độc lập, thì việc sở hữu một tấm bằng liên quan đến kinh doanh là bước đầu tiên bạn nên đi trên con đường theo đuổi giấc mơ đó.
Cảm ơn các bạn đã xem và đón đọc!