Trước mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều bạn có một số thắc mắc như: Học công nghệ thông tin (CNTT) nên học ở trường đại học (ĐH) nào tại TPHCM? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này sau khi ra trường như thế nào?
Tham khảo học ngành Công nghệ thông tin nên chọn trường nào?
Giải đáp vấn đề này, Th.s Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Công tác Sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TPHCM đã có một số chia sẻ như sau:
Để giúp học sinh lựa chọn thì theo tôi, các bạn học sinh (và cả phụ huynh) chú ý các điểm sau khi chọn trường.
Nền tảng đào tạo và truyền thống: Các bạn học sinh nên chọn trường thông qua uy tín của trường, đội ngũ giảng viên, uy tín của bằng cấp. Phụ huynh và học sinh có thể tìm hiểu tiêu chí này thông qua các website chính thức của Bộ GDĐT, của trường, báo chí… hoặc thông qua các bạn học sinh khoá trước đã và đang học ở các trường, thầy cô tư vấn ở THPT và cả ở phụ huynh khác.
Tham khảo học ngành Công nghệ thông tin nên chọn trường nào?
Chương trình đào tạo, thời gian, bằng cấp: học sinh có thể vào trang web của các trường để xem mình sẽ được học những gì khi đậu vào trường. Và sinh viên (SV) có thể làm được những gì sau khi ra trường. Thông thường các trường đều công khai các môn mà SV sẽ được học trong quá trình học và các chuẩn đầu ra mà SV sẽ có được khi tốt nghiệp. Hiện nay, học sinh chọn học nhóm ngành CNTT không chỉ đắn đo chọn học phần cứng (kỹ thuật máy tính..) hoặc phần mềm (khoa học máy tính … ) mà các bạn sẽ thấy còn rất nhiều ngành mới thuộc nhóm ngành CNTT như an toàn thông tin, thương mại điện tử, khoa học dữ liệu ….
Khả năng của học sinh: các bạn học sinh tự đánh giá mình có thể đậu vào (các) trường mình dự tính học hay không? Và mình có thể đậu bằng phương thức nào? Khả năng tài chính của mình có cho phép mình học chương trình cụ thể của trường đó hay không?
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp (gọi tắt là trường) … có đào tạo về CNTT với rất nhiều hình thức đào tạo, bằng cấp, … khác nhau. Thường có nhiều chương trình đào tạo về CNTT như chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết, chương trình học bằng tiếng Anh… Mỗi chương trình lại có yêu cầu đầu vào, điểm xét tuyển khác nhau, yêu cầu trình độ ngoại ngữ, mức học phí rất khác nhau.
Còn về cơ hội nghề nghiệp, công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, do đó nhu cầu nhân lực nhóm ngành CNTT ngày càng lớn. Hơn nữa, với trình độ phát triển ngày càng cao của môi trường làm việc trong nhóm ngành CNTT, các kỹ sư ngành này có thể không cần đến “nhà máy” để làm việc mà có thể làm việc từ xa với một nhóm khác với khoảng cách địa lý rất xa. Bên cạnh đó, xu thế dịch chuyển công việc CNTT về Việt Nam ngày càng nhiều càng làm cho nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam ngày càng lớn.