Các trường chạy đua mở rộng chuyên ngành và những nỗi lo

Rất nhiều trường đại học dự kiến bổ sung ngành nghề mới trong tuyển sinh, thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn. Tuy nhiên, căn cứ vào thông báo điểm chuẩn mới đưa ra của rất  nhiều trường, dễ thấy các trường này đang đối mặt với nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu.

Các trường chạy đua mở rộng chuyên ngành và những nỗi lo

Công nghệ, điện tử lên ngôi

Thời điểm hiện tại, các trường đại học đã bắt đầu lên kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Một số ngành học đang có nhu cầu lớn trong xã hội được quan tâm đầu tư: Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kế toán chất lượng cao…

Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới là Công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Kỹ thuật Điều khiển tự động hóa, (thiên hướng về Robotics) để đáp ứng nhu cầu xã hội. “Thời gian tới, Học viện sẽ gấp rút đưa vào giảng dạy chuyên ngành và xây dựng đề án mở ngành Khoa học dữ liệu (Big Data) và Fintech. Học viện xác định đưa vào dạy các chuyên ngành mới, mở ngành mới chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo rõ ràng nhất”- PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết.

Đại diện trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng cho hay, dự kiến trường sẽ tuyển thêm 2 ngành mới là IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở thêm chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện – điện tử.

ĐH Mở TP HCM trong năm 2020 cũng chính thức tuyển sinh ngành du lịch (từ một chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh trước đó). Chương trình đại trà có thêm ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh nhiều ngành thuộc chương trình chất lượng cao (như khoa học máy tính, kinh tế, Đông Nam Á); chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán).

Trường ĐH Nha Trang cũng công bố phương án tuyển sinh năm 2020 với nhiều điểm mới, trong đó có thêm các chương trình đào tạo như Ngôn ngữ Anh – Trung; Dịch vụ hàng hải và Logistic; Kỹ thuật công trình giao thông.

Theo đại diện các trường đại học, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đang dần tạo được chỗ đứng trong khu vực và quốc tế nhờ lợi thế nhiều mặt của Việt Nam; Dịch vụ du lịch ngày càng phát triển theo nhu cầu xã hội, đặc biệt tăng trưởng ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam những năm gần đây ở  mức cao… Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Theo chia sẻ của lãnh đạo trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trường ĐH Nông Lâm tại phân hiệu Ninh Thuận đang được địa phương đặt hàng một số ngành về du lịch, kỹ thuật năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao… Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng lớn của xã hội đối với các ngành học còn đang “khuyết” này.

Sẵn sàng “vét” thí sinh

Dù có thêm nhiều ngành học mới, nhưng song song với quy định bỏ hệ cao đẳng, nhiều trường đại học vẫn không thoát khỏi nỗi lo thiếu chỉ tiêu, phải hạ điểm chuẩn đến mức thấp nhất có thể. Thậm chí, có không ít khoa của những đại học danh tiếng trong năm ngoái phải “vét” học sinh vì không đủ chỉ tiêu.

Các trường chạy đua mở rộng chuyên ngành và những nỗi lo

Sau khi văn bản đề nghị dừng tuyển sinh cao đẳng từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi đi, đã  có nhiều trường đại học chủ động dừng tuyển sinh cao đẳng trong năm 2019 như: trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Lao động xã hội… Một số trường khác đề nghị cần thêm thời gian để chuyển đổi. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, các trường đại học sẽ chính thức dừng tuyển sinh cao đẳng.

Rất nhiều trường đại học thu hút được nguồn tuyển ở hệ cao đẳng đang lo lắng vì dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, nguồn thu, đội ngũ giảng viên và thí sinh sẽ bị “đảo lộn”. Một trong số đó là Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Năm 2019 nhà trường tuyển sinh đến 400-500 thí sinh hệ cao đẳng. Năm nay hụt chừng ấy thí sinh, nhà trường có nguy cơ “hụt” lao động. Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội lo lắng, đây là trường đào tạo nghề đặc thù và hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động dệt may do nhà trường đào tạo, do đó, nếu nhà trường bị dừng đào tạo hệ cao đẳng thì thị trường lao động sẽ thiếu hụt nguồn lao động dệt may.

Khi có quy định dừng tuyển sinh cao đẳng, trường Đại học FPT đã có chủ trương tách riêng hệ cao đẳng ra để hoạt động độc lập để hệ cao đẳng không bị ảnh hưởng. Rõ ràng, khi bỏ hệ cao đẳng, trường đại học sẽ sụt giảm lượng thí sinh đáng kể, vì chỉ tính riêng năm 2019, hệ cao đẳng của nhà trường tuyển sinh khoảng 8.000 thí sinh.

Từ năm 2018 trở lại đây, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định điểm sàn xét tuyển, ngoại trừ nhóm ngành sư phạm. Nhờ đó, từ 2-3 năm gần đây, nhiều trường đã tự hạ điểm sàn xuống tận đáy, bất chấp chất lượng đầu vào thấp… Điều này có nguy cơ vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các trường cũng không được đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển. Bà Phụng thừa nhận, trong thực tế tự chủ, một số trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường tự xác định vị thế chất lượng của mình thấp trong hệ thống. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo các trường để đưa ra khuyến cáo kịp thời với các trường.

Minh Anh
ngaynay.vn

Bình luận