Để là trường Cao đẳng chất lượng cao cần tiêu chí gì?

de-la-truong-cao-dang-chat-luong-cao-can-tieu-chi-gi

Để được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao, các trường phải đạt tiêu chí về liên kết doanh nghiệp trong đào tạo, tỷ lệ người học có việc làm khi ra trường, chất lượng người học được doanh nghiệp đánh giá đạt yêu cầu công việc… Đây là những tiêu chí trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, vừa được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến.

de-la-truong-cao-dang-chat-luong-cao-can-tieu-chi-gi

 

Theo Dự thảo Thông tư trên, để trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, các trường sẽ được đánh giá theo 5 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có từ 2-7 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có thang điểm từ 1 tới 3 điểm.

Các tiêu chí gồm: Quy mô đào tạo (gồm 2 tiêu chuẩn); Trình độ nhà giáo (5 tiêu chuẩn); Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo (5 tiêu chuẩn); Quản trị nhà trường (7 tiêu chuẩn); Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo (3 tiêu chuẩn).

Mỗi tiêu chuẩn được chấm tối đa 3 điểm tùy theo mức độ đạt được trong thời gian 2 năm (năm trước và năm đánh giá). Điểm đánh giá là tổng điểm tối của các tiêu chuẩn. Trong đó, có 1 số tiêu chuẩn tiên quyết, các trường bắt buộc phải đạt điểm tối đa (3 điểm) mới được xếp hạng.

Xếp hạng trường phụ thuộc vào tiêu chuẩn như thế nào?

Trường được đánh giá là đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao khi đáp ứng các yêu cầu: Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; Điểm đánh giá của từng tiêu chí đạt ít nhất 70% điểm tối đa của tiêu chí (trừ tiêu chuẩn yêu cầu phải điểm tối đa).

Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt ưu tiên các tiêu chuẩn về cơ sở thực hành, thời lượng học thực hành của sinh viên, gắn kết trường nghề và doanh nghiệp, chất lượng người học sau khi ra trường, tỷ lệ người học có việc làm ngay…

Cụ thể, như tiêu chuẩn 1 và 5 của tiêu chí gắn kết nhà trường doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo đưa ra điều kiện: Doanh nghiệp phải tham gia chặt chẽ vào quá trình đào tạo của nhà trường, doanh nghiệp hợp tác trực tiếp đào tạo ít nhất 1 nghề; Ít nhất 90% tổng số người học có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo.

Còn tại tiêu chuẩn 2 của tiêu chí về trình độ người học sau đào tạo, dự thảo quy định: Ít nhất 90% người học được các doanh nghiệp đánh giá năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc.

Để đạt được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao, các trường phải nỗ lực rất nhiều trong hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực và liên kết trong đào tạo. Trong đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, trình độ người học đáp ứng nhu cầu thị trường sau khi ra trường được xem xét chặt chẽ, và là một trong các điều kiện tiên quyết để thành trường cao đẳng chất lượng cao.

Quy trình đánh giá xếp hạng trường

Về quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, dự thảo thông tư cũng đưa ra các công việc và các bước triển khai. Theo đó, nhà trường gửi báo cáo tự đánh giá theo các tiêu chí tại thông tư này, sau đó Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ đánh giá trên báo cáo, nếu đạt sẽ thành lập đoàn đánh giá để khảo sát thực tế và đánh giá kết quả.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức thẩm định kết quả đánh giá thực tế và trình bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xem xét, quyết định công nhận kết quả đánh giá trường và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao.

Giấy chứng nhận đạt đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Dự thảo cũng quy định một số điều kiện của thành viên đoàn đánh gía, hành vi cấm trong quá trình đánh giá trường, trường hợp trường bị thu hồi giấy chứng nhận trường chất lượng cao…

                                                          Theo Tiền phong

Theo dõi thongtintuyensinh.net để cập nhật nhanh nhất các tin tức về thi tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020 nhé!

>> Xem thêm:

Cao đẳng ngôn ngữ Anh

Cao đẳng ngành chế biến món ăn

Cao đẳng du lịch Hà Nội

Cao đẳng Công nghệ Ô tô

Bình luận