Trong ngành Công nghệ thông tin có những chuyên ngành gì?

Rất nhiều bạn cảm thấy thích thú với những sản phẩm công nghệ mới trong thời đại ngày nay và ấp ủ ước mơ trở thành chuyên gia về Công nghệ Thông tin. Thế nhưng, bạn có biết Công nghệ Thông tin gồm nhiều mảng với nhiều ngành khác nhau và mỗi chuyên ngành có khối kiến thức đặc trưng, điểm thú vị riêng và liên quan đến các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau?

 

Trong ngành Công nghệ thông tin có những chuyên ngành gì?

  1. Ngành Kỹ thuật Mạng

Ngành Kỹ thuật Mạng với mục tiêu đào tạo chuyên viên quản trị hệ thống mạng có thể thiết kế và xây dựng các hệ thống mạng đạt tiêu chuẩn cao cho doanh nghiệp và tổ chức ứng dụng Công nghệ Thông tin. Về kĩ năng chuyên môn, sau khi tham gia quá trình đào tạo, sinh viên sẽ hiểu và vận dụng được kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, dịch vụ mạng, thực hành an ninh mạng, thiết kế mạng, mạng không dây; có khả năng thiết kế (quy mô vừa và nhỏ) hệ thống mạng; phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc quản trị mạng, an ninh mạng, đường kết nối, lưu trữ cơ sở dữ liệu, hệ thống backup thông tin.

Sau khi tốt nghiệp các bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm với các vị trí:

  • Chuyên viên Quản trị mạng
  • Chuyên viên An ninh mạng
  • Chuyên viên pentest hệ thống Công nghệ Thông tin.
  • Chuyên viên Tư vấn & Thiết kế các hệ thống mạng và hệ thống An toàn Thông tin
  • Giảng viên, nghiên cứu viên

  2. Ngành Công nghệ Phần mềm

Trong thời đại công nghệ 4.0, đa số các lĩnh vực đều được tin học hóa vì thế ngành Công nghệ Phần mềm trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bạn có biết, các ứng dụng sử dụng trên điện thoại hoặc hệ thống máy tính đều là sản phẩm của ngành Công nghệ Phần mềm.

Về kĩ năng chuyên môn, sau khi tốt nghiệp, các bạn có khả năng xây dựng, chỉnh sửa và phát triển phần mềm dựa trên các công cụ lập trình; có thể phân tích, đánh giá yêu cầu dự án, đưa ra giải pháp tiếp cận công nghệ mới; biết áp dụng công cụ và thành phần phần mềm có sẵn để phát triển các dự án đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù của khách hàng theo từng lĩnh vực cụ thể; có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì và phát triển hệ thống thông tin cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp,…

Ứng viên ngành Công nghệ Phần mềm có thể tìm thấy cơ hội việc làm hấp dẫn với các vị trí:

  • Chuyên viên kiểm thử phần mềm
  • Chuyên viên phát triển phần mềm
  • Chuyên viên thu thập và xử lý yêu cầu, tư vấn giải pháp cho khách hàng
  • Chuyên viên phân tích, thiết kế phần mềm
  • Chuyên viên quản lý sản phẩm phần mềm (Product Manager)
  • Chuyên viên triển khai phần mềm
  • Chuyên viên hỗ trợ phần mềm: an ninh, mạng, quản lý cấu hình, đảm bảo chất lượng (QA)
  • Chuyên viên quản lý, vận hành các hệ thống phần mềm của doanh nghiệp
  • Chuyên viên tư vấn tích hợp hệ thống
  • Chuyên viên tư vấn xây dựng hệ thống thông tin cho doanh nghiệp
  • Chuyên viên tư vấn, quản lý qui trình phát triển phần mềm

  3. Ngành hệ thống Thông tin Quản lý

Ngành Hệ thống Thông tin Quản lý là ngành học kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và mạng truyền thông, nhằm thu thập, tạo và phân phối các dữ liệu thông tin trong tổ chức, doanh nghiệp. Công việc của ngành này là tập trung vào thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như biết cách làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.

 

Ngành công nghệ thông tin có những gì?

Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên ngành này sẽ được đào tạo khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai, quản trị và kiểm soát các hệ thống thông tin quản lý; kiến thức về lý thuyết thống kê kinh tế,… nhằm cung cấp các căn cứ khoa học, đề xuất các phương án tối ưu trong công tác quản lý kinh tế xã hội và quản trị kinh doanh; có khả năng xử lý, phân tích và khai thác sử dụng dữ liệu lớn, khai phá dữ liệu, bảo mật dữ liệu và nâng cao tính an toàn của hệ thống, thống kê dự báo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị, ngân hàng… và hỗ trợ ra quyết định trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất, đầu tư, Marketing…

Các cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành Hệ thống Thông tin Quản lý:

  • Lập trình viên cơ sở dữ liệu
  • Quản trị viên hệ thống thông tin tại các cơ quan xí nghiệp
  • Tư vấn viên, thiết kế viên, lập trình viên phần mềm trong công ty phần mềm…
  • Nhân viên chuyên trách ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý và phân tích dữ liệu tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan nhà nước, trung tâm nghiên cứu
  • Nhân viên kiểm định nghiệp vụ, hỗ trợ, triển khai các dự án
  • Giám đốc công nghệ thông tin (CIO)
  • Giảng viên giảng dạy tại các trung tâm tin học hoặc nâng cao trình độ sau đại học để trở thành giảng viên hệ thống thông tin quản lý tại các trường cao đẳng, đại học.

  4. Ngành Big Data & Machine Learning

Với số lượng người dùng internet ngày càng lớn đòi hỏi các chuyên gia công nghệ phải đưa ra các giải pháp xử lý nguồn dữ liệu lớn một cách hiệu quả nhất. Big Data đã mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu. Trên nền tảng dữ liệu thu thập và sở hữu, các doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh để mở rộng quy mô phát triển trong thời gian ngắn. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực Big Data là những kỹ sư có kiến thức, am hiểu, nhạy bén có thể đảm bảo xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để sinh lời cho doanh nghiệp.

Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên ngành này được đào tạo các kĩ năng lập trình, sử dụng các phân tích dữ liệu và thao tác cho các mục đích tiếp thị,… hoặc các Nhà Khoa học Dữ liệu (Data Scientist) – những người có thể tích hợp Big Data vào cả bộ phận IT và các chức năng kinh doanh của công ty.

Các cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành Big Data & Machine Learning:

Với khả năng khái quát dữ liệu và giải thuật cao cấp, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Big Data & Machine Learning hiện rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm tất cả công việc của cử nhân Công nghệ Phần mềm và Hệ thống Thông tin trong các công ty phần mềm, các công ty thu thập và phân tích dữ liệu, các tập đoàn quảng cáo trực tuyến,… với cơ hội thăng tiến cao và môi trường làm việc tốt.

  5. Ngành Thiết kế Đồ họa/Game/Multimedia

Đây là ngành của nghệ thuật ứng dụng, nghĩa là phải sử dụng công cụ, các phần mềm đồ họa một cách linh hoạt để biến ý tưởng sáng tạo của bản thân thành sản phẩm là những hình ảnh biết nói, truyền tải thông điệp một cách độc đáo, tạo ấn tượng với người xem. Rồi từ đó có thể thiết kế hình ảnh, nhân vật cho phim hoạt hình, game và tạo nên những sản phẩm đa phương tiện khác.

Để học tốt ngành này quan trọng là phải có khả năng sáng tạo. Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức về nghệ thuật cơ bản, phương pháp thiết kế, cách thức sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế đồ họa và các xu hướng phát triển đồ họa; có khả năng sử dụng các phần mềm đồ họa tiên tiến để thiết kế thương hiệu, website, game, phim, thiết kế ứng dụng trên di động; khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.

Cơ hội việc làm hấp dẫn cho ứng viên ngành Thiết kế Đồ họa:

+ Chuyên viên tư vấn, thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, tòa soạn, nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,…

+ Thiết kế tự do (freelancer).

+ Tư vấn – giảng dạy tại các trường học, trung tâm, câu lạc bộ về thiết kế đồ họa.

Bình luận