Dù thực hiện tuyển sinh bằng học bạ, không sử dụng kết quả thi tuyển lớp 10 công lập nhưng để vào học trường tư, học sinh (HS) cần đáp ứng những tiêu chí mà mỗi trường quy định.
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Thời điểm này, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển vào từng trường THPT thì có khoảng 17.000 HS không trúng tuyển vào lớp 10 công lập bắt đầu lựa chọn cho mình mô hình học tập phù hợp sau khi hoàn thành bậc THCS.
Nếu không có cơ hội vào học lớp 10 công lập mà vẫn muốn tiếp tục theo đuổi học văn hóa ở bậc THPT, theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Quốc tế Á Châu, có nhiều hướng để lựa chọn sao cho phù hợp năng lực, sở trường của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Đó là những trường có yếu tố nước ngoài, trường ngoài công lập hoạt động theo mô hình quốc tế giảng dạy song song chương trình của Bộ GD-ĐT và tiếng Anh quốc tế hay trường tư thục dạy chương trình phổ thông…
Tuy nhiên, ông Cao Quảng Tư nhấn mạnh mỗi HS, phụ huynh có quyền lựa chọn con đường học tập khác nhau. Nhưng để quyết định sự thành công, ngoài yếu tố quan trọng là môi trường thì còn cần có năng lực, sự cố gắng của chính HS cùng sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.
1. Trường “trại lính” để vào đại học hàng đầu
Một số trường THPT tại TP.HCM được phụ huynh gắn mác là “trường học như trại lính” nhưng chính những trường này lại là điểm đến của khá nhiều HS, bởi mong muốn theo học để đảm bảo kiến thức khi tham gia xét tuyển vào các ngành nghề như y, dược, ngoại thương…
Một hiệu trưởng thuộc các trường này thẳng thắn nêu quan điểm: “Chúng tôi rèn luyện thêm cho HS, bởi kiến thức sách giáo khoa thôi chưa đủ. Giáo viên cho HS tiếp cận nhiều dạng bài tập, khi thi cử sẽ dễ dàng xử lý. Muốn đạt kết quả tốt thì phải rèn luyện, kỷ luật giúp HS tiến bộ hơn”.
2. Trường chú trọng kỹ năng sống
Giám đốc tuyển sinh một trường dân lập tại Q.3 cho hay, ngoài kiến thức thì chương trình giảng dạy của trường chú trọng kỹ năng sống, hội nhập, khả năng thích ứng… Chẳng hạn trong quá trình học tập, HS thường xuyên được thay đổi môi trường học tập, lớp học để có thể dễ dàng tiếp cận với môi trường mới.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo, nhà trường cung cấp công nghệ mới nhất cho HS như công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot, kết nối thư viện quốc tế… Những hoạt động này nhằm tạo điều kiện để HS có thể tra cứu tạo nền tảng kiến thức tiệm cận nhanh nhất với môi trường giáo dục quốc tế.
3. Đạo đức là yếu tố hàng đầu
Tuy nhiên, không phải vào trường ngoài công lập là chuyện dễ dàng, chỉ cần có tiền là được. Không ít phụ huynh và HS bị nhà trường từ chối nhập học không phải chỉ vì học lực.
Hiệu trưởng một trường tư thục tại Q.9 cho biết: “Với trường tư, việc một HS đến đăng ký nhập học là điều vô cùng đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi về chương trình, nội dung giảng dạy tại trường, nhà trường hy vọng tìm được tiếng nói chung với phụ huynh. Bởi nếu không chung quan điểm thì con đường học tập của HS sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, trong môi trường giáo dục, dù trên danh nghĩa là đơn vị cung cấp dịch vụ, phụ huynh là khách hàng nhưng chúng tôi rất coi trọng thái độ giao tiếp”. Vị hiệu trưởng này kể có lần phải từ chối và hẹn phụ huynh, HS đến trao đổi vào dịp khác khi chứng kiến cách cư xử của phụ huynh với giáo viên, nhân viên trong nhà trường thấy không phù hợp. “Trong môi trường giáo dục cần tôn sư trọng đạo, tôi không thể tiếp nhận một HS mà có phụ huynh la lối, có thái độ xem thường thầy cô”.
Hiệu trưởng một trường dân lập tại Q.Tân Phú thẳng thắn cho biết: “Nhiều phụ huynh lầm tưởng, cứ có tiền đóng học phí là có thể vào học bất kỳ trường nào cũng được. Thực tế cho thấy, trong gần 100 trường ngoài công lập đang hoạt động, có những trường xây dựng tiêu chí tuyển sinh, nội quy nhà trường rất rõ ràng, cụ thể và để được theo học, HS phải thỏa mãn các điều kiện đã nêu. Và ngược lại, nếu không đồng quan điểm, nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận để phụ huynh, HS lựa chọn môi trường phù hợp”. Thành viên hội đồng quản trị của một trường dân lập có tiếng tại TP.HCM cho hay: “Đã từng từ chối nhận một HS bởi giáo viên phụ trách cho rằng đã chứng kiến thái độ hỗn xược của bé gái với ba của mình nên thấy không phù hợp. Đối với ba mẹ mà HS không tôn trọng thì e rằng rất khó hợp tác với giáo viên trong thời gian tới”.
Còn thành viên hội đồng quản trị của Trường phổ thông dân lập Nguyễn Khuyến cho biết, về tiêu chí học tập, nhà trường xét chọn HS theo kết quả học bạ từ trên xuống. Tuy nhiên, về tiêu chí hạnh kiểm, nhà trường quy định rõ, không nhận HS có xếp loại trung bình. Theo lý giải của nhà trường, những HS có hạnh kiểm trung bình thể hiện sự không cố gắng, ý thức trong học tập và rèn luyện.
Theo Thanh niên