Lí do vì sao ĐH Bách khoa HN không còn tuyển sinh mã ngành Công nghệ thông tin – IT3?

Từ tháng 2 đến nay, phòng Tuyển sinh của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được gần 5.000 lượt hỏi về việc tại sao trường không tiếp tục đào tạo ngành Công nghệ thông tin ( IT3), khoảng 4500 lượt hỏi về việc so sánh các ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính với Công nghệ thông tin.

Lí do vì sao ĐH Bách khoa HN không còn tuyển sinh mã ngành Công nghệ thông tin – IT3?

Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Người Đưa Tin, PGS TS Tạ Hải Tùng – Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông ( Đại học Bách khoa Hà Nội) lý giải: “Hiện tại ở Việt Nam, cụm từ “Công nghệ thông tin” quá nổi bật, làm “che mờ” đi các khái niệm về Khoa học máy tính – Computer science và Kỹ thuật máy tính – Computer Engineering.

Ở nước ngoài, đặc biệt là các trường ở Mỹ, Canada hay Anh, Úc rất khó tìm được một khoa (viện) mang tên “công nghệ thông tin” – School of Information Technology hay Department of Information mà chỉ có khoa (viện) khoa học máy tính hoặc là khoa (viện) tính toán – School of Computing.

Như vậy, rất nhiều sinh viên Việt Nam khi đi du học lại khá lạ lẫm vì không phải là “công nghệ thông tin”, mà là “khoa học máy tính” hay “kỹ thuật máy tính””.

Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội)

Xuất phát từ việc cố gắng chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của quốc tế, để làm sao khi các em sinh viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội trở thành kỹ sư có chuyên môn cao – PGS TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh “có thể gọi là tầng lớp tinh hoa trong giới về công nghệ” – trường đại học Bách khoa mong muốn các kỹ sư, cử nhân tương lai không chỉ bó hẹp ở thị trường lao động trong nước, mà còn là thị trường lao động rộng mở, toàn cầu.

“Thậm chí, chúng tôi có những chương trình mà gần 70% các em sau khi tốt nghiệp đi ra nước ngoài làm việc và rất nhiều em đi du học”, ông Tùng thông tin.

Theo đó, viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – đại học Bách khoa Hà Nội năm nay chỉ đào tạo 3 ngành gồm: CNTT-Khoa học máy tính (IT1), CNTT-Kỹ thuật máy tính (IT2), CNTT-Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10).

“Chúng tôi sẽ không đào tạo ngành mang tên “công nghệ thông tin” nữa. Năm nay, khi thí sinh nhìn vào mã ngành tuyển sinh của Bách khoa Hà Nội sẽ không còn thấy mã ngành IT3 – “Công nghệ thông tin” như năm 2018 nữa mà là 3 ngành kể trên”, PGS.TS Tùng cho biết.

Để rõ hơn, ông Tạ Hải Tùng chia sẻ: “Không phải chúng tôi không đào tạo “công nghệ thông tin” nữa, mà chỉ là không dùng cái tên đó nữa. Chúng tôi muốn cập nhật đúng với bản chất phổ quát trên thế giới, nghĩa là ngành Khoa học máy tính, ngành Kỹ thuật máy tính và ngành Khoa học dữ liệu”.

Bên cạnh đó, vị Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông ( Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết: “Các nội dung đào tạo sẽ không thay đổi quá nhiều so với trước, nhưng đặt tên ngành chuẩn để sau này các em dễ dàng liên thông ra nước ngoài, dễ dàng làm việc với thị trường lao động nước ngoài.

Ở nước ngoài, nói về “công nghệ thông tin”, đôi khi người ta lại nghĩ là đấy là những kỹ thuật viên và chỉ mang tính chất vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Như vậy, tự nhiên mình lại giảm giá trị của mình xuống chỉ vì cái tên, nên chúng tôi muốn chuẩn hóa lại.”

Bình luận