Hiện triển lãm công nghệ nào quan trọng nhất trên thế giới? Có người cho rằng, đó là hội chợ CES ở Las Vegas (Mỹ) hoặc CeBIT ở Hanover (Đức), nhưng với những người sành sỏi về công nghệ, thì triển lãm Computex ở Đài Loan có lịch sử 30 năm mới là ngày hội công nghệ số 1.
Ngành công nghệ thông tin liệu có phải là thế mạnh của Đài Loan
Theo tờ Economist, Đài Loan hiện tập trung nhiều hãng sản xuất máy tính và phần cứng lớn nhất thế giới. Các công ty ở đây sản xuất hơn 50% số chip, gần 70% số màn hình máy tính, và hơn 90% số máy tính xách tay trên toàn thế giới.
Những công ty thành công nhất ở vùng lãnh thổ này không phải là những hãng quy mô lớn như trước đây, mà là những nhà sản xuất theo đơn đặt hàng như Quanta hay Hồng Hải (Foxconn).
Năm ngoái, một công ty Đài Loan là Acer đã qua mặt hãng Dell của Mỹ, trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn thứ hai trên thế giới. Ngoài việc bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh cho các thương hiệu lớn phương Tây, hãng điện thoại Đài Loan HTC cũng đã tung ra những sản phẩm cao cấp dưới thương hiệu riêng.
Economist cho biết, sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin tại Đài Loan xuất phát chủ yếu từ sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, đặc biệt là từ Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI).
Cập nhật ngay ngành tình hình công nghệ thông tin Đài Loan
Được thành lập vào năm 1973, ITRI không chỉ thực hiện chức năng nhập khẩu công nghệ và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), mà còn đào tạo các kỹ sư và thúc đẩy các công ty công nghệ mới thành lập như Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Ngày nay, TSMC đã trở thành nhà sản xuất chip theo đơn đặt hàng lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ITRI còn phát triển mô hình máy tính cho các công ty tư nhân.
Theo ông Derek Lidow, một chuyên gia của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ iSupply, một yếu tố khác giúp Đài Loan trở thành “địa chỉ tốt nhất trên thế giới để biến các ý tưởng thành hiện thực” là quá trình phát triển của vùng lãnh thổ này, với hệ thống giáo dục tốt, ngành kỹ thuật được khuyến khích phát triển mạnh.
Thêm vào đó, vào những năm 1960, các công ty công nghệ phương Tây đã đặt chân tới Đài Loan, tạo đà phát triển lực lượng lao động có tay nghề và đội ngũ các nhà cung cấp.
Ngày nay, Khu công nghiệp và khoa học Hsinchu, trung tâm của ngành công nghệ thông tin Đài Loan, là địa chỉ của khoảng 400 công ty công nghệ cao, dẫn đầu là TSMC với những nhà máy sản xuất con chip khổng lồ. Mỗi nhà máy sản xuất chip của TSMC có trị giá lên tới 10 tỷ USD và tất cả các nhà máy này xuất xưởng khoảng 3 tỷ con chip mỗi năm.
Công nghệ thông tin Đài Loan
Hàng chục công ty chế tạo con chip khác là nguồn cung cấp thiết kế chip cho các nhà sản xuất như TSMC, trong đó thành công nhất là MediaTek – “tác giả” của những con chip được sử dụng trong hầu hết những chiếc điện thoại di động “made in China”.
Tại hội chợ Computex thường niên, không chỉ các nhà sản xuất máy tính như Acer và Asustek, mà cả những nhà sản xuất linh kiện như con chip, bảng mạch, ổ đĩa, quạt máy tính, dây nối, vỏ máy tính… cũng đều có những khu trưng bày riêng. Đài Loan có hàng trăm công ty nhỏ chuyên sản xuất những linh kiện như vậy, và có thể giao hàng chỉ sau một đêm nếu cần.
Tuy nhiên, điểm mạnh này cũng là điểm yếu của Đài Loan. Hầu hết các công ty ở đây mới chỉ là những đối tác nhỏ trong chuỗi cung cấp công nghệ thông tin của thế giới, vì chỉ sản xuất những thứ do các doanh nghiệp khác đặt hàng.
Các công ty này có nhiều sáng tạo nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, nhưng lại bị rơi vào “bẫy hàng hóa” – theo cảnh báo của ông Dieter Ernst thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông – Tây ở Honolulu. Chuyên gia này cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của các công ty công nghệ Đài Loan rất nhỏ và không đủ cho phép các công ty này đầu tư hợp lý vào R&D và phát triển thương hiệu.
Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin của Đài Loan còn rất yếu ở những lĩnh vực có giá trị sở hữu trí tuệ lớn nhất hiện nay như phần mềm, dịch vụ và hệ thống. Kết quả là, Đài Loan chịu mức thâm hụt thương mại lớn ở lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, các công ty công nghệ của Đài Loan cũng thường xuyên bị các hãng phương Tây kiện về xâm phạm bằng sáng chế. Mới đây nhất là vụ Apple nộp đơn kiện HTC.
Thêm vào đó, do áp lực từ phía khách hàng, các hãng sản xuất máy tính của Đài Loan đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang những nơi có chi phí rẻ hơn, chủ yếu là đại lục. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có chiến lược đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ cao và hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của họ như Tập đoàn Quốc tế sản xuất chất bán dẫn (SMIC).
Tuy nhiên, các công ty của Đài Loan đã và đang nỗ lực để thích nghi. ITRI giờ đã chú trọng hơn các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ và thiết kế. Chủ tịch ITRI, ông Johnsee Lee cho hay, viện này hiện bình quân nộp 5 đơn xin cấp bằng sáng chế mỗi ngày và chủ yếu cấp quyền sử dụng cho các công ty của Đài Loan để họ có thể có công cụ khi đàm phán giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ.
ITRI còn đưa vào hoạt động một trung tâm thí nghiệm sáng tạo nơi các kỹ sư làm việc cùng với các họa sỹ, nhà văn, nhà tâm lý học để phát triển những dịch vụ và sản phẩm không chỉ là phần cứng.
Theo ông Shin Horng Chen thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, các công ty lớn của Đài Loan đã biết nâng cao chất lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và thậm chí cũng đứng ra kiện các đối thủ nước ngoài, như vụ HTC kiện ngược Apple.
Ngoài ra, nhiều hãng công nghệ Đài Loan cũng đã nỗ lực để tiến xa hơn trên chuỗi giá trị và xâm nhập vào những thị trường mới, điển hình như Acer và HTC đang phấn đấu trở thành những thương hiệu toàn cầu. Nhiều nguồn tin cho biết, TSMC có tham vọng trong các lĩnh vực pin năng lượng mặt trời và đi-ốt phát quang.
Không chỉ có vậy, các công ty Đài Loan cũng đã chứng tỏ họ có thể sáng tạo trên cơ sở những công nghệ sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới. Chẳng hạn, Asustek đã đi tiên phong trong lĩnh vực netbook, hay thành công của Acer một phần nằm ở hệ thống phân phối đầy sáng tạo.
Economist cho rằng, Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan đang xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính phủ Trung Quốc đã thuê nhiều công ty Đài Loan thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đài Loan cũng đã mở rộng hơn việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, chẳng hạn như cho phép TSMC nắm giữ 8% cổ phần trong SMIC.