Các trường Đại học đã bắt đầu lên kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Nhiều ngành học mới dự kiến được mở, một số ngành học sẽ được điều chỉnh cách thức tuyển sinh hoặc dừng tuyển do nhiều năm không đủ sinh viên.
Ngành sư phạm và đại học địa phương vấp phải khó khăn trong tuyển sinh năm 2020
1, Dịch chuyển ngành nghề trong đào tạo
Tại hội thảo chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo bậc đại học của Trường ĐH Thủy lợi vừa tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, tới đây trường dự kiến đào tạo một số ngành học đang có nhu cầu lớn trong xã hội như: Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kế toán chất lượng cao.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đang dần tạo được chỗ đứng trong khu vực và quốc tế nhờ lợi thế nhiều mặt của Việt Nam; Dịch vụ du lịch ngày càng phát triển theo nhu cầu xã hội, đặc biệt tăng trưởng ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam những năm gần đây ở mức cao… Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Một số trường đào tạo không đủ đáp ứng cho thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2020 trường này chỉ điều chỉnh một chút về điều kiện học chương trình đào tạo tài năng Việt Pháp.
Còn tại khu vực phía Nam, các trường ĐH đều lên phương án cụ thể cho mùa tuyển sinh sắp tới. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, dự kiến trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới gồm: IoT (interet kết nối vạn vật) và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Đây là 2 ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện – điện tử.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới. Tại phân hiệu của trường ở Ninh Thuận, địa phương đang đặt hàng một số ngành về du lịch, kỹ thuật năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao… Ở các trường ngoài công lập, nhiều ngành mới cũng dự kiến được tuyển sinh trong năm tới.
Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở thêm ngành tiếp thị kỹ thuật số, quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh… Trường cũng dự kiến dừng tuyển sinh một vài ngành do khó tuyển sinh các năm trước như: ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường. Trường ĐH Công nghệ TPHCM dự kiến sẽ có 5 ngành mới gồm: kinh doanh thương mại, thương mại điện tử, luật, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng. Ngoài ra, các trường cũng có những điều chỉnh về ngành nghề trong năm tới.
2, Các trường địa phương, sư phạm vẫn khó khăn trong tuyển sinh?
Theo thống kê mùa tuyển sinh 2019, ở khu vực phía Bắc, đa số trường ĐH địa phương lấy điểm sàn cũng như điểm chuẩn thấp, như: Hạ Long, Công nghiệp Quảng Ninh, Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Hải Dương, Thủ đô.
Ngành sư phạm và đại học địa phương vấp phải khó khăn trong tuyển sinh năm 2020
Những trường ĐH địa phương có điểm chuẩn nhỉnh hơn (thấp nhất là 13,5 điểm) như: Hoa Lư, Hồng Đức, Công nghiệp Vinh. Trong đó, đáng chú ý là Trường ĐH Thủ đô do đóng trên địa bàn có điểm thi bình quân thuộc diện cao nhất nước (theo Sở GD&ĐT Hà Nội, gần 89,51% lượt học sinh các trường THPT ở Hà Nội đạt điểm thi 3 môn từ 13 điểm trở lên), nhưng trường này sẵn sàng “vét” đến những học sinh cuối cùng của Hà Nội.
Căn cứ vào thông báo điểm chuẩn dễ thấy các trường này đang đối mặt với nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, một số ngành của các trường này sẽ không có thí sinh (trong đó có những ngành sư phạm buộc phải lấy điểm cao theo mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT).
Nhiều trường chỉ công bố điểm chuẩn mà không công khai danh sách thí sinh trúng tuyển. Nhưng nhìn vào mức điểm chuẩn nhà trường công bố có thể thấy việc tuyển sinh của trường đang rất khó khăn.
Không những thế, được cấp học bổng, miễn tiền ký túc xá nhưng ngành Sư phạm chất lượng cao Vật lý của ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa hai năm chưa tuyển được sinh viên.
Đến hết tháng 10, khối ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao mới tuyển được gần 50 trên tổng số 80 chỉ tiêu. Ngành Sư phạm Toán tuyển được 7 sinh viên, Sư phạm Ngữ văn tuyển được 16 sinh viên và Sư phạm Lịch sử tuyển được 23 sinh viên. Riêng ngành Sư phạm Vật lý đến nay chưa tuyển được sinh viên nào. Đây là năm thứ hai ngành này không có người học.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Nam, quyền Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức cho hay, nguyên nhân ngành Sư phạm Vật lý chất lượng cao khó tuyển sinh do vấn đề đầu ra. Hiện nhu cầu giáo viên Vật lý tại các trường trên địa bàn không nhiều, sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc ưng ý. Hơn nữa, những em theo khối tự nhiên, nếu đạt điểm thi THPT quốc gia loại giỏi cũng có nhiều lựa chọn ngành học hơn.
NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn