Thất nghiệp: Là do chủ quan hay khách quan?

Giải quyết việc làm cho sinh viên không phải vấn đề mới nhưng chưa bao giờ hết ‘nóng’ trong bối cảnh tỷ lệ người trẻ không có việc làm vẫn ở mức cao.

Thất nghiệp: Là do chủ quan hay khách quan?

Trước thực tế này, các trường ĐH đang cùng nhau tìm nhiều cách để giải quyết bài toán trên.

Trong hai ngày 30 và 31.10, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) TP.HCM, các trường ĐH gồm: KHXH-NV TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), Tây Nguyên, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Công nghiệp Vinh, Nha Trang cùng ngồi với nhau để bàn các giải pháp trong dự án về tăng cường cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên (SV) sau khi ra trường.

Sư phạm, khoa học cơ bản khó kiếm việc ?

PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Nếu một trường ĐH đào tạo SV ra trường nhưng không có việc làm thì rất đau lòng. Quá trình để có việc làm không chỉ ở giai đoạn tư vấn kỹ năng tìm việc làm mà là cả quá trình trước đó”.

Còn PGS-TS Trần Trung Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết trong số 36 ngành đào tạo của trường thì SV khối sư phạm, khoa học cơ bản và giáo dục chính trị khi ra trường rất khó tìm việc, rất ít cơ hội có việc làm. Trong khi đó, một số ngành như y khoa thì chưa tốt nghiệp đã có việc làm.

Tương tự, bà Hồ Cẩm Nhung, Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực thuộc Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, cũng thông báo các ngành hiện được tuyển dụng nhiều nhất tại trường là Hàn Quốc học, Nhật Bản học và ngôn ngữ Trung Quốc. Ngôn ngữ Anh hiện đang rất phổ biến, trong khối ngoại ngữ thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 với nhiều ngành.

“Khối ngoại ngữ người học có khả năng tìm việc tốt hơn rất nhiều, tỷ lệ thất nghiệp khối này thấp hơn nhiều so với khối KHXH-NV”, bà Nhung thông tin.

Đóng cửa ngành SV ra trường thất nghiệp ?

Đại diện các trường đưa ra những nguyên do khác nhau lý giải việc SV thất nghiệp. PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho rằng đầu tiên là việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực rất yếu, từ đó dẫn đến việc SV thiếu thông tin nên đổ xô vào ngành “hot” làm mất cân đối các ngành nghề. Trong khi đó, thực sự mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) mới chỉ bước đầu, chưa hình thành một văn hóa.

Đặc biệt, ông Hùng nhấn mạnh nguyên nhân đến từ năng lực trường học và người học. Ông nói: “Năng lực các trường vẫn còn yếu, chúng ta mở trường rất ồ ạt nhưng chất lượng nhiều trường kém. Chính bản thân chất lượng SV nguồn đầu vào ngày càng yếu thì đầu ra không tốt”.

PGS-TS Trần Trung Dũng cũng nêu một nguyên nhân từ thực trạng mở ngành đào tạo: “Trong quy định mở ngành và duy trì ngành đều có đánh giá của nhu cầu xã hội nhưng hiện nay không làm được”. Theo ông Dũng, quản lý nhà nước chưa hình dung ra được câu chuyện mở ngành, đào tạo thế nào. Như ở trường ông, các ngành cử nhân đào tạo khoa học cơ bản hiện SV rất khó tìm việc. Có những giai đoạn trường phải ngừng tuyển sinh một số ngành khó tuyển đầu vào và ra trường khả năng tìm việc làm khó. Cụ thể, dự kiến năm 2020 trường sẽ dừng tuyển sinh các ngành như cử nhân vật lý, sinh học và hóa học.

“Các ngành sư phạm dù khó tìm việc nhưng có địa chỉ sử dụng rõ ràng, còn các ngành cử nhân thì chơi vơi. Vấn đề việc làm ở đây là việc làm đúng ngành đào tạo chứ không phải có việc làm mà tốt nghiệp ngành này phải đi làm việc ngành khác. Trường học không thể đào tạo tràn lan mà không có trách nhiệm với sản phẩm của mình”, ông Dũng nói.

Đáp án: Thất nghiệp là do ai?

Nhiều quan niệm cần thay đổi

Nhiều giải pháp đã được nêu ra tại buổi làm việc giữa các trường. Theo PGS-TS Trần Trung Dũng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện vai trò của mình trong vấn đề này. Chẳng hạn phải có phân tích về việc trên một địa bàn Tây Nguyên có nên để nhiều trường cùng đào tạo một ngành hay không. Về phía DN, ông Dũng cho rằng DN phải biến thành đối tác.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Tớp nói: “Gần đây các DN VN đã bắt đầu cảm thấy “nóng gáy” bởi sự cạnh tranh quyết liệt về thị trường lao động trong nước. Nếu các đơn vị này vẫn đứng ngoài cuộc thì e rằng sẽ không nhận được sản phẩm tốt nhất”.

Có mặt trong diễn đàn, bà Selena Lê, nhà sáng lập No Waste Vietnam, đề xuất vai trò của nhà trường trong nhiệm vụ này: “Trường ĐH có khả năng kết nối với DN, với doanh nhân và đối thoại với SV để tìm ra nhà tuyển dụng cần gì, người học cần đáp ứng các yêu cầu bằng cách nào”.

Ông Đỗ Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Nha Trang, nhận xét: “Trách nhiệm của SV hiện nay là tự tạo ra việc làm cho bản thân mình, nếu không tự trang bị kiến thức và kỹ năng thì xã hội không thể chạy theo để tìm việc làm cho các bạn. Thay vào đó, các bạn cần phải làm thế nào để nhà tuyển dụng tìm đến mình”.

Hà Ánh
thanhnien.vn

Bình luận