Các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, hiện tượng điểm chuẩn đầu vào một số ngành sư phạm thấp có một phần nguyên nhân do đào tạo tràn lan.
1. “Có em học sư phạm ra đi làm công nhân”
Bên cạnh một số ngành vẫn đang có sức hút như dạy toán bằng Tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học…, thì nhiều ngành sư phạm có mức trúng tuyển chỉ bằng mức điểm sàn là 15,5. Thậm chí, tại đa số trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm thi THPT quốc gia là đã có thể đỗ.
nhiều ngành sư phạm có mức trúng tuyển chỉ bằng mức điểm sàn là 15,5.
Nguyên nhân thứ hai là số lượng học sinh các bậc học ở hầu hết các địa phương (trừ các thành phố lớn) có xu hướng giảm mạnh, nhu cầu tuyển dụng mới giáo viên rất hạn chế. Trong khi đó, số lượng giáo sinh tốt nghiệp ra trường đang thất nghiệp, chờ việc lại càng gia tăng.
Bên cạnh đó, “Học sinh, phụ huynh bây giờ có cái nhìn thực tế hơn. Họ chấp nhận công việc có thể vất vả, cạnh tranh nhưng có thu nhập cao, còn hơn những công việc có vẻ thanh nhàn mà thu nhập thì lại thấp”.
Chưa kể, nhiều phụ huynh, học sinh không muốn học sư phạm do tính chất gò bó, công việc lặp đi lặp lại nhàm chán.
“Với 20 năm trong nghề, tôi nhận thấy có sự phân hóa về trình độ giữa những nhóm sinh viên có điểm đầu vào khác nhau. Tất nhiên điểm số đôi khi không phản ánh hết thực chất vấn đề nếu thí sinh trúng tuyển thực sự đam mê nghề nghiệp, quyết tâm và tấm lòng yêu trẻ, dù ban đầu còn nhiều lỗ hổng về kiến thức. Tuy nhiên, số đó không nhiều”, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quan sát.
Đồng quan điểm, cô Phương Thanh (nhân vật đã được đổi tên), hiệu phó của một trường tiểu học ở Đồng Nai nói: “Dù có được đào tạo, nhưng thí sinh ở mức điểm ấy sau này làm thầy cô giáo thì khó mà yên tâm”.
Theo cô Thanh, việc các trường đưa ra điểm chuẩn thấp cũng một phần để có thể đủ sinh viên duy trì ngành đào tạo và hoạt động của trường: “Đặt điểm cao thì lấy đâu sinh viên để mà dạy!”.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chuyện thừa giáo viên như mấy năm nay. Mặt khác, cũng chính là cơ hội cho những bất cập trong khi việc tuyển dụng còn lờ mờ.
Rất nhiều sinh viên sư phạm về chính trường tôi thực tập xong bây giờ đang làm công nhân
“Rất nhiều sinh viên sư phạm về chính trường tôi thực tập xong bây giờ đang làm công nhân, số em được vào dạy đếm trên đầu ngón tay. Đau lòng lắm!” – cô Thanh nói.
“Cần nhìn xem hiện chúng ta thừa hay thiếu giáo viên mà cứ lấy số lượng theo kiểu cho đủ chỉ tiêu. Lấy thừa sinh viên để làm gì, phải chăng lấy ít đi thì lo ngại trường không có việc để làm?”PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng lý giải hiện tượng điểm chuẩn một số ngành sư phạm thấp do các trường cố lấy cho đủ số chỉ tiêu.
2. Miễn học phí cho sinh viên đầu vào thấp là sự đầu tư vô lý
Ông Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan), thành viên của nhóm Đối thoại giáo dục nhìn nhận:
“Nếu các trường đại học được kiểm định chặt chẽ và mức điểm xét trúng tuyển trên sàn, thì điều tôi lo ngại chỉ là các sinh viên có kiếm được việc khi ra trường khi thị trường đòi hỏi cao”.
Điều mà ông Hiệp cho rằng cần phải xem xét nhất qua việc này lại từ góc độ đầu tư. Việc sinh viên ngành sư phạm lâu nay được Nhà nước miễn học phí, với cả những sinh viên điểm đầu vào không cao có vẻ hơi bất cập.
“Tôi thấy vô lý khi Nhà nước phải đầu tư cho các sinh viên đó trong 4 năm. Đối với những sinh viên theo học sư phạm với mức điểm cao thì rất cần đầu tư, còn với những em có điểm đầu vào thấp thì cần tính toán lại và không nên đầu tư hết 100%. Công thức đầu tư cần phải tính toán lại chứ không nên đơn giản như hiện nay, người đáng thì không đầu tư mà lại đầu tư nhầm người”.
PGS Văn Như Cương không khỏi lo ngại, khi mà mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học bậc Tiểu học ở Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cảnh báo nhiều giáo viên chưa đáp ứng được nếu so với chuẩn nghề nghiệp mới mà ngành đang xây dựng.