Giới thiệu khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Tôn Đức Thắng

Khoa công nghệ thông tin thành lập ngày 04/04/1998. Đến nay, Khoa đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động giáo dục và khoa học – công nghệ.

Giới thiệu khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Tôn Đức Thắng

1. Hệ thống & bậc đào tạo

Bậc đại học:

  • Khoa học máy tính
  • Truyền thông và Mạng máy tính
  • Kỹ thuật phần mềm

Bậc cao học: Khoa học máy tính

Bậc nghiên cứu sinh: Khoa học máy tính

2. Đội ngũ chuyên môn

Tổng số: 98 người

Trong đó:

  • 7 giáo sư, 5 phó giáo sư, 11 tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 30 thạc sĩ.
  • Giáo sư, chuyên gia nước ngoài: 13 người.

3. Hoạt động đào tạo

Chương trình đào tạo các ngành bậc đại học đến sau đại học đều được chuẩn hóa theo chương trình của các đại học được xếp TOP 100 thế giới trong ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính và những ngành tương tự.

Tài liệu: có 2.450 nhan đề tại Thư viện; mỗi môn học có 1 giáo trình chính và ít nhất 3 tài liệu tham khảo chính. Các giáo trình chính và tài liệu tham khảo chính đều là các tài liệu được dùng giảng dạy tại các trường đại học thuộc TOP 50 trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực máy tính và thông tin.

Hoạt động đào tạo của nhà trường

Khoa có những chương trình liên kết đào tạo với đại học được xếp hạng trong TOP 500 của thế giới; như: Chương trình Dual Degree liên kết đào tạo hình thức 2+2 bậc đại học ngành Khoa học máy tính với Đại học kỹ thuật Ostrava (sinh viên được nhận 2 bằng tốt nghiệp của cả 2 trường nếu đủ điều kiện); và hợp tác đào tạo hình thức bán thời gian với trường này bậc tiến sĩ với 2 nghiên cứu sinh đã được trao bằng tiến sĩ.

Chuẩn đầu ra bậc đại học: TOEIC 500 điểm trở lên; bơi 50 m; có chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng; tích lũy đủ số tín chỉ theo qui định; đạt kỳ kiểm tra kỹ năng thực hành chuyên môn; lễ phép, kỷ luật và làm việc nhóm tốt.

Chuẩn đầu ra bậc cao học: TOEIC 500 điểm trở lên; tích lũy đủ số tín chỉ của chương trình; có năng lực nghiên cứu vấn đề và đề xuất giải pháp; kỷ luật, làm việc nhóm tốt; bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Chuẩn đầu ra bậc nghiên cứu sinh: TOEIC 600 điểm trở lên; hoàn thành các học phần tiến sĩ theo qui định; công bố ít nhất 4 bài báo khoa học (là tác giả đứng tên đầu) trong các kỷ yếu hội nghị hoặc tạp chí chuyên ngành quốc tế có phản biện; trong số đó có ít nhất 1 bài trong danh mục SCI – E hoặc SSCI; bảo bệ thành công luận án tiến sĩ.

Đặc thù của hệ thống giáo dục tại Khoa

100% sinh viên được học các chứng chỉ nghề nghiệp do các công ty phần mềm có uy tín cấp; 100% sinh viên được học kiến thức nghề nghiệp thực tế do các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ các công ty phần mềm/mạng máy tính giảng dạy; hàng năm Khoa kết hợp với Công ty FPT Software (FSoft) mở Khóa hè (liên tục trong hai tháng) giảng dạy (miễn phí) kiến thức thực tế đang được ứng dụng tại FSoft; 100% sinh viên được tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp; các sinh viên đam mê khoa học được tham gia nghiên cứu chung với thày hướng dẫn trong các Nhóm nghiên cứu của Khoa; sinh viên được đăng ký internship để nhận tài trợ thực tập công việc tại Khoa.

Khoa tự hào 100% sinh viên đều có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi ra Trường và làm đúng chuyên môn đã học; 100% sinh viên sau tốt nghiệp đều đủ năng lực làm việc tại các công ty phầm mềm/mạng máy tính hàng đầu ở phía Nam.

Nhân lực Khoa đã đào tạo cho xã hội: 303 cử nhân bậc cao đẳng; 2.066 kỹ sư bậc đại học; 3 thạc sỹ; 2 tiến sĩ.

4. Hoạt động khoa học – công nghệ

Đơn vị nghiên cứu:

  • Nhóm nghiên cứu Thuật toán và Công nghệ phân tích mạng lưới (Algorithms and Technologies for Networks Analysis group – ATNA Group);
  • Phòng thí nghiệm Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Khai phá tri thức (NLP-KD Lab).

Công bố khoa học quốc tế:

Từ năm 2012 đến tháng 12/2016, Khoa có 119 công bố quốc tế, trong đó có 43 công trình trên các tạp chí được Index trong Danh mục ISI.

Các hoạt động khoa học – công nghệ

Hoạt động khoa học ứng dụng:

Từ năm 2012 đến nay, Khoa đã thực hiện 1 đề tài cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED); 1 đề tài cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (FOSTECT) thuộc Đại học Tôn Đức Thắng; 1 đề tài cho Sở khoa học – công nghệ TPHCM; 1 đề tài chuyển giao công nghệ trong công nghiệp.

Các hoạt động khoa học khác:

  • The 22nd Annual International Computing and Combinatorics Conference (COCOON 2016);
  • The 5th International Conference on Computational Social Networks (CSoNet 2016);
  • The 13th International Conference on Computer Information Systems and Industrial Management Applications (CISIM 2014);
  • The 6th International Conference on Information Resources Management (Conf-IRM 2014);
  • The 12th IEEE International Symposium on Signal Processing and Information Technology (ISSPIT 2012).

Các hội nghị Khoa đã tổ chức đều là các hội nghị thường niên uy tín được luân phiên đăng cai tổ chức ở các quốc gia khác nhau, mỗi năm tổ chức một lần. Đáng chú ý là Hội nghị COCOON có truyền thống 22 năm; là diễn đàn khoa học cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lý thuyết tính toán.

5. Hợp tác quốc tế & quốc tế hóa hoạt động

Đối tác quốc tế thân hữu và gắn bó với Khoa: trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa đã hợp tác được với nhiều đại học và Hiệp hội nghề nghiệp nổi tiếng thế giới. Cụ thể là Đại học kỹ thuật Ostrava (TOP 500 thế giới), Nhà xuất bản Springer, IEEE (The Institute of Electrical and Electronics Engineers), AIS (Association for Information Systems).

Các đối tác quốc tế khác đã và đang hợp tác: Microsoft, IBM, NashTech, Global CyberSoft, DXC Technology.

Sinh viên quốc tế:

Hằng năm, Khoa tuyển sinh sinh viên quốc tế ngành Khoa học máy tính với chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; Khoa hiện có 3 sinh viên Lào theo học.

Khoa sẵn sàng tiếp nhận sinh viên quốc tế đến thực tập (Internship) hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn hằng năm.

6. Cơ hội & tương lai của người học

Năm 2016, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp đã đạt 100%; từ năm 2017 trở đi, Khoa cam kết với phụ huynh, người học và xã hội 100% người học từ Khoa ra Trường đều có việc làm trong vòng 12 tháng.

Trường và Khoa có chương trình học bổng để đào tạo sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên học sau đại học để trở thành giảng viên và/hoặc nghiên cứu viên; cung cấp cho người học thêm cơ hội phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp.

Bình luận