Trường ĐH Y Dược TP.HCM vừa công bố mức thu học phí năm học 2020-2021, tăng 10% áp dụng với SV nhập học trước 2019. Mức học phí cho sinh viên nhập học năm nay vẫn chưa được công bố.
Theo đó, mức học phí áp dụng cho sinh viên đại học hệ chính quy là: 1.430.000 đồng/tháng x 10 tháng/năm học, tức 14,3 triệu đồng/năm học.
Mức học phí áp dụng cho bậc đào tạo sau đại học với nghiên cứu sinh, chuyên khoa II là: 3.575.000 đồng/tháng x10 tháng/năm học, tức 35,75 triệu đồng/năm học.
Bậc cao học, chuyên khoa I, nội trú là: 2.145.000 đồng/tháng x 10 tháng/năm học, tức 21,45 triệu đồng/năm học.
Như vậy, mức học phí năm học 2020-2021 áp dụng với những sinh viên nhập học từ 2019 trở về trước tăng 10% so với năm ngoái.
Chưa công bố học phí năm học 2020 – 2021
Đầu tháng 6 vừa qua, Trường ĐH Y Dược TP.HCM gây xôn xao dư luận khi công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho sinh viên khóa 2020 – 2021.
Theo đó, học phí của nhiều ngành học sẽ có mức tăng gấp 4-5 lần so với năm 2019. Cụ thể, ngành Răng-Hàm-Mặt có mức học phí là 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình Răng có học phí 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm…
Không chỉ vậy, dự kiến học phí sẽ tăng thêm 10% mỗi năm
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo lý giải: Trước đây, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thu 13 triệu đồng/năm vì phần lớn chi phí để đào tạo sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo 1 sinh viên chỉ tốn có ngần đấy.
“Không thể nào đào tạo một bác sĩ mà chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/ tháng. Ngay cả đào tạo học sinh tiểu học cũng không có mức này” – ông Khôi nói.
Từ tháng 1/2020, Trường ĐH Y Dược TP.HCM không nhận ngân sách Nhà nước nữa, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.
Sau đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế theo chức năng quản lý Nhà nước có văn bản đề nghị Trường ĐH Y Dược TP.HCM báo cáo, thuyết minh rõ căn cứ xác định mức thu, lộ trình tăng học phí.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã báo cáo giải trình việc tăng học phí với Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trong báo cáo, nhà trường nêu mức học phí này được xây dựng theo Thông tư số 14/2019/TT-BGD-ĐT ngày 30/8/2019 của Bộ GD-ĐT và đã trải qua nhiều bước.
Cụ thể, giá dịch vụ đào tạo = chi phí tiền lương + chi phí vật tư + chi phí quản lý + chi phí khấu hao mòn tài sản cố định + chi phí quỹ khác.
Với mức học phí này, trường cam kết chất lượng đào tạo tốt nhất của khối ngành sức khỏe. Đồng thời, trích 15% trên tổng thu học phí để chi học bổng với các mức từ 25-100% học phí. Trong số 2.100 sinh viên dự kiến được tuyển của khóa mới, sẽ có 800 suất học bổng cho các em thuộc diện chính sách, học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, hiện mức học phí cho sinh viên nhập học năm nay vẫn chưa được trường công bố.
Theo Vietnamnet
>> Xem thêm:
Cao đẳng ngành chế biến món ăn