Bắt đầu từ ngày 1/4, các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2018. Năm nay, đã có một vài sự thay đổi trong đăng ký, thí sinh cần thận trọng trong đăng ký dự thi, tránh sai sót làm mất quyền lợi, thậm chí có thể bị trượt.
Học lớp 12 ở đâu đăng ký thi tại đó
Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ vừa ban hành Hướng dẫn công tác tổ chức thi THPT Quốc gia 2018. Theo đó, Bộ sẽ tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đối với thí sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi (ĐKDT) tại Trường THPT nơi mình đang theo học. Thí sinh tự do được chọn địa điểm nộp hồ sơ dự thi tại một trong các điểm cho thí sinh tự do do các Sở GD&ĐT quy định.
Các Sở GD&ĐT quyết định các nơi đăng ký dự thi (gọi là đơn vị ĐKDT) đảm bảo thuận tiện cho thí sinh; mỗi đơn vị ĐKDT được Sở gán 01 mã số, mã số 000 là mã đơn vị ĐKDT tại Sở, từ 001, 002… là mã các Trường THPT, Trung tâm GDTX; Sở có thể lập thêm các đơn vị ĐKDT cho thí sinh tự do, các điểm này sẽ lấy các mã 901, 902,… Các đơn vị ĐKDT có mã 000, 901, 902,… chỉ thu nhận ĐKDT của thí sinh tự do ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Khi ĐKDT, thí sinh phải kê khai đảm bảo chính xác các thông tin về mã tỉnh, mã trường phổ thông,… đúng quy định. Đồng thời nghiên cứu kỹ hướng dẫn thực hiện Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2018 để ghi các thông tin vào mục đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trong Phiếu ĐKDT.
Ngoài ra, với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức hoặc Tiếng Nhật. Thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh học tại GDTX được đăng ký bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các trường hợp được miễn thi bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thí sinh được sử dụng chứng chỉ môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018.
Không nhận hồ sơ không hợp lệ
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời hạn ĐKDT từ ngày 1 đến ngày 20/4/2018, các đơn vị sẽ thu 2 Phiếu ĐKDT, bản photocopy 2 mặt Chứng minh Nhân dân trên 1 mặt giấy A4, 2 4 ảnh 4×6 cm; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.
Sau khi đã nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính in thông tin ĐKDT của thí sinh từ phần mềm, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Sau khi nộp Phiếu ĐKDT, thí sinh sẽ được đơn vị ĐKDT cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi để xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức cho các đối tượng ĐKDT theo quy định, trong đó lưu ý một số điểm như: Các trường phổ thông chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào Phiếu ĐKDT THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đầy đủ và đúng các thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để đảm bảo độ chính xác của các thông tin thí sinh điền vào Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt là thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm ưu tiên (nếu có); xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh. Tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
Ngoài ra, các Sở GD&ĐT, các đơn vị ĐKDT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc ĐKDT; tổ chức kiểm tra, kiểm tra chéo thông tin thí sinh, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đặc biệt lưu ý các thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đơn vị ĐKDT kiểm tra hồ sơ dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của từng thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ.
Đưa ra lời khuyên tới các thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Việc cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp chính là khuyến khích các em học toàn diện hơn, tạo nhiều cơ hội trong xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Song, thí sinh nên cân nhắc kỹ vì nếu các em đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp có nghĩa các em phải học và thi tới 9 môn, nhiều hơn 3 môn so với thí sinh chỉ đăng ký 1 bài tổ hợp. Việc phải thi nhiều môn sẽ gây áp lực về thời gian và khối lượng kiến thức có thể khiến các em bị quá tải, ảnh hưởng đến kết quả thi. Bởi vậy, thí sinh nên chọn học và đăng ký có trọng tâm vào một bài thi để tránh tình trạng học quá nhiều môn mà không đem lại hiệu quả cao”.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 25 – 27/6 với mục đích xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Thời hạn đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 1/4 đến ngày 20/4/2018. Sau ngày 20/4, thí sinh không được thay đổi Điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi thí sinh đã đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2018 cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này, nếu bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ. |
Quang Anh
Nguồn: giadinh.net.vn