Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, việc đề thi lớp 10 và đề thi học kỳ của huyện Yên Thành có phần làm văn được cho là ‘giống nhau’ không ảnh hưởng đến việc phân loại thí sinh.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 ở một điểm thi huyện Anh Sơn, Nghệ An
Sáng 10-6, thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An khẳng định không tổ chức thi lại môn văn vào lớp 10 năm học 2019-2020 do “trùng đề thi” như dư luận phản ánh.
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, việc trùng ngữ liệu trong câu làm văn không ảnh hưởng đến chất lượng phân loại thí sinh và nói đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của sở và thi khảo sát học kỳ II của huyện Yên Thành giống hệt nhau ở câu 3 là không có cơ sở.
Cụ thể, ở phần làm văn (câu 2), đề của Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu thí sinh: “Cảm nhận về ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong hai khổ thơ trích trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
Đề thi khảo sát chất lượng học kỳ II do Phòng GD-ĐT huyện Yên Thành cũng yêu cầu về “Ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải” trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ với hai khổ thơ tương tự.
Theo quy định, trong đề thi môn ngữ văn (phần làm văn) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình ngữ văn 9 (các câu khác không bắt buộc).
Vì vậy, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của sở ra trùng một tác phẩm của huyện Yên Thành hoặc các huyện, thành, thị khác là bình thường, vì ở các địa phương vẫn thường lấy các tác phẩm hay để ra đề thi học kỳ, đề thi thử môn ngữ văn.
Phần làm văn trong đề thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Nghệ An so với đề khảo sát chất lượng học kỳ II của Phòng GD-ĐT huyện Yên Thành
Hơn nữa, tác phẩm được chọn Mùa xuân nho nhỏ là một trong những bài thơ hay nhất của chương trình ngữ văn 9 và hai khổ thơ được trích dẫn là hay nhất trong bài, chứa đựng nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Vì thế, những người ra đề thường chọn đoạn ngữ liệu này.
Hai đề thi chỉ trùng đoạn ngữ liệu trong một tác phẩm nhưng yêu cầu đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá học sinh khác nhau.
Cụ thể, đề thi khảo sát học kỳ của huyện Yên Thành là dạng đề mở, không yêu cầu kiểu bài. Học sinh thoải mái lựa chọn kiểu bài, có thể là kiểu bài phân tích, kiểu bài chứng minh, kiểu bài biểu cảm… chú trọng vào nội dung kiến thức.
Trong khi đó, đề thi của sở không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của người học, mà quan trọng hơn là kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh. Vì thế, học sinh nào chủ quan cho rằng hai đề làm văn giống nhau thì rất dễ lạc đề và mất điểm.
Theo Tuổi trẻ