Hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm… Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT do Bộ Y tế tổ chức mới đây.
Theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh được xác định theo các nhóm tiêu chí gồm hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), phi chức năng, bảo mật và an toàn thông tin và bệnh án điện tử (EMR).
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường cho biết, 100% bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành như văn bản điện tử, thư điện tử…
Đặc biệt, từ ngày 1.3.2019, Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân. Việc triển khai hồ sơ điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào nếu có internet. Nhờ đó, tiết kiệm được chi phí duy trì kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.
Với cơ sở dữ liệu này, theo Cục trưởng Trần Quý Tường, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn. Thông tin của người bệnh minh bạch giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có).
2. Kết nối khó khăn
Tại Hội thảo Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc triển khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Triển khai bệnh án điện tử được coi là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế.
“Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nền nếp làm việc từ ghi chép bằng tay trên giấy sang sử dụng máy tính, vì vậy tại một vài cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm; lãnh đạo bệnh viện chưa quyết liệt, bị động, còn chờ cấp trên” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Theo thống kê, đến thời điểm này, mới có 14 cơ sở y tế trên cả nước triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Một trong những nguyên nhân là ứng dụng chữ ký số còn gặp vướng mắc, các cơ sở khám, chữa bệnh lúng túng khi triển khai. Bởi việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ không dễ dàng, giá của một chữ ký điện tử khá đắt, trong khi giá CNTT vẫn chưa được đưa vào giá dịch vụ y tế. Việc đến nay chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng đã dẫn đến kinh phí triển khai bệnh án điện tử chưa đáp ứng yêu cầu.