Công nghệ thông tin Hàn Quốc – Bàn đạp cho sự phát triển

Hàn Quốc là đất nước nhỏ với địa hình đồi núi, không có tài nguyên thiên nhiên quan trọng về kinh tế. Sớm nhận ra điều này, Hàn Quốc chú trọng vào công nghệ thông tin để khắc phục các điểm yếu.

Công nghệ thông tin Hàn Quốc – Bàn đạp cho sự phát triển

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 tổ chức ngày hôm nay, ông Sungchul Chung, giáo sư đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (STEPI), nhận xét Hàn Quốc hiện đang là một trong những nước có nhiều thành công khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Theo số liệu của ông Chung, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 vào nghiên cứu và phát triển trên thế giới và đứng thứ 3 tại châu Á. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số lượng nghiên cứu viên lớn nhất tính trên một đơn vị việc làm. Hàn Quốc có tỷ lệ đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển do các ngành công nghiệp thực hiện.
Vậy tại sao Hàn Quốc lại chú trọng đến khoa học và công nghệ đến như vậy?
Theo ông Sungchul Chung, bản thân Hàn Quốc biết rõ những điểm yếu của nước mình. Ông Chung chỉ ra các yếu tố quyết định cơ bản trong hệ thống đổi mới quốc gia bao gồm nguồn lực sẵn có của đất nước, cách chính phủ và ngành khai thác theo các môi trường nhất định. Hàn Quốc là đất nước nhỏ với địa hình đồi núi, không có tài nguyên thiên nhiên quan trọng về kinh tế. Người Hàn Quốc được thừa hưởng truyền thống giáo dục tốt với tập trung lớn nhất vào con người.
Ông Chung nhìn lại, vào thời điểm đầu những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với GNP bình quân đầu người 82 USD, dựa chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp với hơn 60% lao động trong ngành này. Điểm yếu của Hàn Quốc khi đó có thể tóm gọn trong những điểm sau: năng lực công nghệ thấp; cơ sở công nghiệp được thừa hưởng từ thời thuộc địa, gần như tất cả đã bị phá hủy trong chiến tranh (1950-1953); vị trí địa lý không chắc chắn.
Ông Sungchul Chung, giáo sư đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (STEPI) phát biểu tại Diễn đàn.
Tuy nhiên cùng lúc đó, Hàn Quốc cũng có những điểm mạnh: một lực lượng lớn lao động chưa được khai thác hết, khát khao học tập của người dân mạnh mẽ. Tỷ lệ học vấn của Hàn Quốc khi đó tương đương với nhiều quốc gia giàu có; cấu trúc xã hội đồng nhất, nhiều gắn kết; động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ và có nhiều quan ngại về chủ quyền, chính trị và kinh tế.
Từ những điểm trên, Hàn Quốc đã lựa chọn chiến lược thâm dụng chất xám, đó là chiến lược phát triển dựa trên khoa học công nghệ. Nguồn nhân lực kết hợp với công nghệ, kỹ năng quản lý kết hợp với vốn và tài nguyên thiên nhiên nhập khẩu để phát triển công nghệ.
Sự phát triển của Hàn Quốc là một quá trình học hỏi từ các công nghệ nước ngoài để phát triển công nghiệp. Sự phát triển của ngành công nghệ nước này có thể tóm gọn trong 3 giai đoạn phát triển sau: từ thập niên 1960-1970 đến 1980, họ học hỏi công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, sao chép và vận hành các công nghệ đã phát triển ở nước ngoài; từ thập niên 1980-1990 đến 2000, Hàn Quốc nghiên cứu dựa trên công nghệ thông tin và các công nghệ chiến lược khác; từ năm 2000 đến nay: nghiên cứu phát triển bản địa là nguồn công nghệ chính tạo nên dấu ấn nổi bật trên toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định, tập trung mạnh vào sáng tạo.
Từ thập niên 1980, Hàn Quốc chọn tập trung vào công nghệ thông tin và áp dụng chiến lược dựa trên công nghệ thông tin để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Hàn Quốc chọn chiến lược phát triển dựa trên công nghệ thông tin bởi những yếu tố sau: công nghệ thông tin phù hợp với Hàn Quốc vì tương đối thâm dụng kiến thức và đòi hỏi ít nguồn lực hơn trong sản xuất và bằng cách áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến, Hàn Quốc nhảy vọt về công nghệ.
Bình luận