Trong lịch sử ngành Vật lý Việt Nam, mới chỉ có duy nhất một bài báo nội lực (tác giả hoàn toàn Việt Nam và đang làm việc trong nước) được công bố trên tạp chí Physical Review Letters năm 2002 và mới đây bài báo của nữ tiến sĩ trẻ Nghiêm Thị Minh Hòa là bài thứ 2 được đăng trên tạp trí này.
Vừa qua, Ban biên tập tạp chí Physical Review Letters chính thức đăng công trình nghiên cứu có tên “Time evolution of the Kondo resonance in response to a quench” do TS Nghiêm Thị Minh Hòa – Viện Tiên tiến KH&CN (AIST), Trường ĐHBK Hà Nội thực hiện với sự cộng tác của TS T. A. Costi – Forschungszentrum Juelich, CHLB Đức.
Nghiên cứu này được đặt ra trong bối cảnh hệ bất cân bằng là một trong những hướng nghiên cứu chính trên thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Nếu so sánh với số lượng các công trình nghiên cứu hệ cân bằng, không phụ thuộc vào thời gian, thì số lượng các nghiên cứu hệ bất cân bằng khá ít ỏi. Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ví dụ công nghệ laser, khả năng đo đạc thực nghiệm sự biến đổi các hệ có thể đạt tới mức độ femto giây (10-15s).
TS Nghiêm Thị Minh Hòa
Công trình nghiên cứu của TS Nghiêm Thị Minh Hòa đưa ra khả năng sử dụng phương pháp nhóm tái chuẩn hóa số để mô phỏng hệ tương quan mạnh ở trạng thái không cân bằng có phụ thuộc thời gian.
Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng, TS Minh Hòa cho biết: “Năm 2014 bắt đầu phát triển phương pháp tính toán bước đầu và xuất bản hai bài báo trên tạp chí Physical Review B – một trong những tạp chí xếp hạng cao trong ngành Vật lý.
Lúc đấy, tôi đưa ra phương pháp giải bài toán phụ thuộc vào thời gian cho nhiệt độ bất kỳ, tuy nhiên các đo đạc mới chỉ dừng lại ở sự tiến triển theo thời gian của đại lượng tĩnh, không phụ thuộc vào tần số. Sự tiến triển theo thời gian của đại lượng động, tức là phụ thuộc cả vào tần số,vẫn là một câu hỏi mở.
Trong thực nghiệm, các nhà khoa học có thể đo được phổ năng lượng, mật độ phụ thuộc tần số. Để tính toán được phổ đó (vừa phụ thuộc vào tần số, vừa phụ thuộc vào thời gian) là không đơn giản cho hệ tương quan mạnh không cân bằng.
Năm 2016, tôi nhận thấy điều này hoàn toàn có thể làm được với phương pháp nhóm tái chuẩn hoá số, và các tính toán số được chị thực hiện trên siêu hệ máy tính ở Đức”.
Bài báo được gửi tới tạp chí Physical Review Letter từ tháng 01/2017 và được phản biện kín bởi hai chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực.
TS Minh Hòa chia sẻ: “Trong vòng đầu tiên, cả hai phản biện đều đưa ra những ý kiến góp ý xác đáng để giúp chúng tôi chỉnh sửa bài báo tốt hơn. Một trong những ý quan trọng nhất là kết quả tính toán vi phạm định luật bảo toàn ở một khoảng thời gian cụ thể. Nếu không giải quyết được vấn đề này, bài báo khó có thể được đăng.
Tháng 3/2017, lúc đó tôi đã bắt đầu công việc mới tại viện AIST-ĐHBKHN, bằng tính toán giải tích tôi đã chỉ ra công thức không vi phạm định luật bảo toàn, mà vấn đề nằm ở tính toán số. Việc tính toán số được tôi thực hiện lại trong thời gian này, và vấn đề vi phạm định luật bảo toàn được sửa chữa. Cuối cùng đến tháng 7/2017, bài báo với những sửa chữa và các kết quả tính toán mới được gửi lại cho Ban biên tập.
Đến đầu tháng 9/2017, tôi nhận được thư từ Ban biên tập chấp nhận đăng bài với sự đồng thuận của cả hai phản biện”. Bài báo đã được chính thức đăng ngày 13/10/2017″.
Physical Review Letters là tạp chí quốc tế hạng nhất trong các tạp chí vật lý và toán học trên thế giới. 5 năm gần đây tỷ lệ được đăng ở tạp chí này là khoảng 30%, tức là cứ cứ 10 bài gửi đăng thì 7 bài bị loại.
Một bài báo để được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, phải đạt được một trong 3 tiêu chí.
Thứ nhất, công trình nghiên cứu phải mở ra một lĩnh vực mới, hoặc những lộ trình nghiên cứu mới trong một lĩnh vực đã thiết lập, ảnh hưởng quan trọng tới nghiên cứu trong các lĩnh vực khác.
Thứ hai, công trình nghiên cứu phải giải quyết, hoặc làm những bước căn bản để giải quyết, những vấn đề cấp thiết đang tồn tại.
Thứ ba, công trình nghiên cứu phải trình bày một kỹ thuật mới, hoặc một phương pháp luận mới, đóng vai trò then chốt trong nghiên cứu vật lý trong tương lai và có những hệ quả rõ ràng trực tiếp cho các nhà vật lý.
Thông tin chi tiết về bài báo xem TẠI ĐÂY.
Tiến sĩ Nghiêm Thị Minh Hòa (sinh năm 1984), thời gian trở lại đây, chị đã có 6 bài báo ISI.
Hướng nghiên cứu chính TS Hòa theo đuổi trong 5 năm gần đây: Nghiên cứu sự cạnh tranh giữa hiệu ứng Kondo và trật tự từ trong hệ lượng tử tạp 2 và 3 hạt từ trong môi trường dẫn điện sử dụng phương pháp Quantum Monte Carlo.
Phát triển phương pháp tái chuẩn hoá nhóm phụ thuộc thời gian nhằm hiểu sự tiến triển theo thời gian của các hệ pha tạp lượng tử bất cân bằng.
Nghiên cứu các hệ tương quan mạnh không cần bằng, ví dụ: hệ Kondo không cần bằng.
Phát triển phương pháp giải hệ tạp nhằm ứng dụng trong lý thuyết trương trung bình động (dynamical mean field theory) và lý thuyết trương trung bình động không cần bằng.