Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Theo lãnh đạo các trường ĐH, năm nay, các phương thức tuyển sinh rất đa dạng. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ để tăng cơ hội trúng tuyển. Và thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa có phương án tuyển sinh chính thức năm 2020. Trường tuyển sinh theo hai phương thức: xét tuyển tài năng và xét tuyển theo điểm thi.

Xét tuyển theo điểm thi

Dự kiến trường dành 30 – 35% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm bài kiểm tra tư duy. Dành cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A19 (Toán, Vật lý, bài kiểm tra tư duy) và A20 (Toán, Hóa, bài kiểm tra tư duy). Dành 50 – 60% chỉ tiêu dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển còn lại

Xét tuyển tài năng (10-15% tổng chỉ tiêu)

  • Dành cho những đối tượng như xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT
  • xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế;
  • được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Tiếng Anh (lớp 10, 11, 12);
  • được chọn tham dự Cuộc thi KHKT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức;
  • học hệ chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin và Tiếng Anh của các trường THPT chuyên trên toàn quốc;
  • được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm.
  • Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 6.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương được đăng ký xét tuyển vào các chương trình của ngành Ngôn ngữ Anh.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp.

Xét tuyển thẳng, nhà trường thực hiện theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến 18 điểm (gồm điểm ưu tiên).

 Xét tuyển kết hợp, trường mở rộng 5 đối tượng, thay vì 2 đối tượng như năm 2019

  • Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của đài truyền hình
  • Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên
  • Thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT và có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên
  • Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trừ môn Giáo dục công dân;
  • Thí sinh là học sinh giỏi 5 học kỳ 3 năm THPT các lớp hệ chuyên thuộc trường chuyên của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc của các trường ĐH.

Tận dụng mọi cơ hội để tăng khả năng trúng tuyển nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

thi-sinh-khong-nen-dang-ky-qua-nhieu-nguyen-vong

Đăng kí các nguyện vọng xét tuyển phù hợp (ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo (trường ĐH Kinh tế Quốc dân), thí sinh đăng ký theo nguyên tắc 3 bậc nguyện vọng. 3 bậc đó là: cao hơn, ngang bằng và thấp hơn với năng lực.

Chỉ đăng ký vào các ngành/trường mình thích và phù hợp với khả năng. Chỉ cần 5-6 nguyện vọng là đủ, tức là mỗi bậc năng lực nên đăng ký 1-2 nguyện vọng.

Thí sinh nên nộp thêm hồ sơ vào các trường có phương thức xét tuyển riêng, như xét tuyển kết hợp để có thêm cơ hội.

Đặc biệt lưu ý thí sinh trước khi khai hồ sơ, cần đọc kỹ hướng dẫn. Những quy định chưa rõ thì hỏi, không được vội vàng. Cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng để đỡ phải điều chỉnh.

“Thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp. Đặc biệt, các em phải bám sát, nắm bắt thường xuyên thông tin về phương án tuyển sinh của các trường trên website để đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh, tránh tình trạng bị trùng hoặc sai nguyện vọng” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐH) nói.

Theo Tienphong

Bình luận