Những gì bạn nên biết về ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên

Dưới đây là bài viết nhằm cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết khi bạn có mong muốn đăng ký học tập tại Khoa ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên.

Những gì bạn nên biết về ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên

1. GIỚI THIỆU

Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM  được thành lập vào tháng 2 năm 1995 dựa trên Bộ môn Tin học của Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Trải qua gần 15 năm hoạt động, Khoa đã phát triển vững chắc và được chính phủ bảo trợ để trở thành một trong những Khoa Công nghệ Thông tin đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Dựa trên cơ sở sứ mệnh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Công nghệ thông tin xác định sứ mệnh của Khoa trong lĩnh vực Công nghệ thông tin như sau:

  • Đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
  • Tạo ra những sản phẩm tinh hoa trong lĩnh vực CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước và phù hợp với xu thế phát triển quốc tế.

Về kế hoạch chiến lược, Khoa cũng định hướng phát triển cho đến năm 2020:

  • Đến năm 2020, Khoa CNTT trở thành đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin mạnh của cả nước, có vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, và chuyển giao các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thông tin của ĐHQG Tp.HCM.

Tháng 12/2009, Khoa CNTT đã tham gia kiểm định chất lượng AUN-QA. Kết quả Khoa đã đạt được điểm số cao nhất trong số các đơn vị tham gia kiểm định tại Việt Nam với  4.92/7 điểm

Tham gia kiểm định chất lượng đào tạo AUN – 2009

Hiện Khoa đang xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO bắt đầu từ 2011 đến 2016 và đã áp dụng  cho khóa tuyển 2011

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cũng như thành tich đã được, Khoa CNTT đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2005), Huân chương Lao động hạng III (2006).

 

2. TỔ CHỨC KHOA

+ Đội ngũ cán bộ giảng dạy

Khoa CNTT hiện có 81 Phó giáo sư, 17 Tiến sĩ, 50 Thạc sĩ  và Giảng viên

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của Khoa còn bao gồm các giáo sư, giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng cùng với nhiều công tác viên bên ngoài từ những viện nghiên cứu, giới công nghiệp, các trường đại học khác trong và ngoài nước.

Tổng số thành viên của đội ngũ giảng huấn và nhân viên phục vụ hiện đang tham gia vào hoạt động giảng dạy khoảng gần 130 người (số này không tính các giảng viên đang tu nghiệp tại nước ngoài).

 

Là Khoa có phòng học, cơ sở vật chất hiện đại của trường ĐH KHTN

+ Cơ sở vật chất

Hiện nay, Khoa CNTT đều được tập trung phát triển cơ sở vật chất tại 02 cơ sở: 227 Nguyễn Văn Cừ và Linh Trung, Thủ Đức với:

  • 7 phòng máy tính thực hành cấu hình cao
  • Mạng wifi trong trường
  • Thư viện tham khảo riêng cho Khoa

 

3. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO

Khoa CNTT hiện có 06 bộ môn:

* Thị giác máy tính và khoa học Rô-bốt

Nhằm mục đích đào tạo các cử nhân, kỹ sư chuyên về lĩnh vực xử lý ảnh số, video số và thiết kế phần mềm điều khiển Rô-bốt.

Các hướng nghiên cứu: Truy vấn ảnh, video dựa vào nội dung; Sinh tin học; Nhận dạng ký tự trong ảnh, video; Nhận dạng hành động người; Mô phỏng mặt người và cảm xúc; Thị giác Rô-bốt; Tự động hóa thiết kế trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.

*Mạng máy tính & Viễn thông

Cung cấp kiến thức trong lĩnh vực truyền thông giữa các mạng diện rộng, mạng máy tính cục bộ và giữa các hệ thống thông tin phân tán.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có khả năng thiết kế và cài đặt các mạng máy tính ở mức trung bình đến lớn, và các hệ thống truyền thông.

* Công nghệ tri thức

Cung cấp cho sinh viên những tri thức cao cấp nhất cùng các kỹ năng cần thiết để xây dựng các ứng dụng tích hợp với khả năng xử lý thông minh, ứng dụng trong giáo dục, đào tạo, kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo mật..

Các kiến thức cung cấp bao gồm nền tảng về các hệ cơ sở tri thức, hệ tương tác người-máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng mẫu, xử lý ảnh…

* Khoa học máy tính

Cung cấp cho sinh viên những tri thức cao cấp nhất cùng các kỹ năng cần thiết để xây dựng các ứng dụng tích hợp với khả năng xử lý thông minh, ứng dụng trong giáo dục, đào tạo, kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường …

Các kiến thức cung cấp bao gồm nền tảng về các hệ cơ sở tri thức, hệ tương tác người-máy, nhận dạng mẫu, xử lý ảnh…

* Hệ thống thông tin

Cung cấp cho sinh viên những tri thức cần thiết để có thể cài đặt và phát triển các dự án hệ thống thông tin trong quản lý kinh tế, quản lý văn phòng, quản lý dữ liệu.

Tập trung vào các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hệ thống thông tin như : mô hình hóa dữ liệu, các tiếp cận trong thiết kế cơ sở dữ liệu, các phương pháp phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, các hệ thống thông tin phân tán…

* Công nghệ phần mềm

Cung cấp những kiến thức tổng quan trong cài đặt, quản lý và bảo trì các dự án, từ đó giúp cho sinh viên có thể thiết kế và cài đặt các sản phẩm phần mềm chất lượng cao.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ có khả năng phân tích, thiết kế, và quản trị các dự án phần mềm ở mức trung đến cao cấp.

Mỗi bộ môn phụ trách đào tạo kiến thức chuyên ngành liên quan đến các ngành khác nhau thuộc về lĩnh vực CNTT.

Có 04 ngành đào tạo: Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông, với mục tiêu đào tạo chung như sau:

  • Đào tạo các cử nhân CNTT có kiến thức nền tảng mạnh và chuyên sâu, có năng lực ứng dụng thành quả mới nhất của CNTT hướng tới nền kinh tế tri thức và có phương pháp luận vững chắc cũng như có khả năng đóng vai trò lãnh đạo để phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.
  • Cử nhân CNTT có khả năng tổ chức khai thác hiệu quả phần mềm ứng dụng trong công nghệ điều khiển, xử lý thông tin, nhận dạng, các hệ thống kỹ thuật, mạng máy tính, viễn thông, có khả năng thiết kế phần mềm phục vụ công tác quản lý, khai thác dữ liệu khoa học, giáo dục, xã hội và kinh tế.
  • Cung cấp cho sinh viên kỹ năng thích nghi, tự điều chỉnh, tự phát triển, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề một cách logic, sáng tạo và có hệ thống. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng cạnh tranh trong môi trường làm việc trong nước cũng như trên thị trường lao động toàn cầu.

+ Học bổng

Hằng năm Khoa có 02 đợt tập trung trao học bổng khuyến khích cho sinh viên: chủ yếu là đợt 1 vào đầu tháng 10 (lễ Tốt nghiệp lần 1, đây là đợt tốt nghiệp chính trong năm của sinh viên Hệ chính quy, và Hoàn chỉnh) và đợt 2 vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 (lễ Tốt nghiệp lần 2, dành cho các sinh viên tốt nghiệp còn lại) nếu có.

 Về tiêu chí xét học bổng dựa trên tiêu chí của Khoa và tiêu chí do Công ty hỗ trợ học bổng yêu cầu. Có 02 loại học bổng:

– Học bổng khuyến khích học tập

– Học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

+ Giao lưu hội thảo, seminar

Nhằm mục đích tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên của Khoa tiếp cận và tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, hằng năm Khoa CNTT sẽ phối hợp, tổ chức các buổi seminar, giao lưu, hội thảo giữa sinh viên với các doanh nghiệp vào các thời điểm trong năm học như sau:

– Học kỳ 1: vào tháng 10, 11

– Học kỳ 2: vào tháng 2, 3.

Sinh viên thực tập

Có 2 hình thức thực tập tại công ty:

a. Chương trình thực tập dành cho sinh viên hệ Cử nhân tài năng:

Đối với sinh viên hệ CNTN thì thực tập là một môn học lý thuyết bắt buộc, dựa trên báo cáo đánh giá sau khi kết thúc thực tập từ phía công ty, Khoa sẽ xét qui đổi thành điểm môn học. Thông thường sinh viên  thực tập toàn thời gian vào 3 tháng hè (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9)

        b. Chương trình thực tập dành cho sinh viên các hệ khác:

Qui trình tuyển dụng thực tập tương tự như tuyển dụng nhân sự. Khoa không quản lý và giới thiệu nhân sự đến cho công ty.

Thời gian thích hợp: bắt đầu từ đầu tháng 3

 

4. HỢP TÁC NGHIÊN CỨU

Vấn đề hợp tác nghiên cứu giữa Khoa và Công ty bao gồm

– Hợp tác hướng dẫn luận văn cho sinh viên năm cuối các hệ Đại học Chính qui, Hoàn chỉnh Đại học: thời gian đưa ra đề tài là vào tháng 11, sinh viên nhận đề tài và thực hiện từ tháng 12 đến cuối tháng 7.

– Thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học có lĩnh vực liên quan với nhau.

Đội tuyển thi ACM quốc tế

Sinh viên cũng có thể có thể tham gia vào 11 nhóm nghiên cứu mạnh ở Khoa. Đồng thời cũng có nhiều cơ hội thực tập tại nhiều viện nghiên cứu nước ngoài.

Một số giải thưởng NCKH mà sinh viên Khoa CNTT đã đạt được:

+ Nhân tài đất việt

+ Quả cầu vàng

+ Thanh niên tiêu biểu

Các hướng nghiên cứu của Khoa

–  Computer Vision & Pattern Recognition

–  Soft Computing

–  Cryptography, Security, Steganography

–  GIS

–  Natural Language Processing

–  Data Mining (Text Mining, Web Mining)

–  Image Processing

–  Speech Processing (DSP, Speech Synthesis, ASR)

–  Network Security

–  Grid Computing

–  Software Process

–  Multilingual Information Retrieval

–  Component-Based approach in Software Development Process

–  Component-Based approach in IS analysis and design

–  Search Engine

–   Mobile Agent

 

5. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Theo thống kê của Khoa 95% sinh viên CNTT có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp, và 100% sau 1 năm với mức lương khởi điểm từ 5-12 triệu/tháng tại các công ty trong và ngoài nước.

Cử nhân CNTT cũng có thể chọn học lên cao hoặc  thực tập tại nước ngoài.

Ngoài ra, cũng có thể tham gia Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước.

Ký kết hợp tác với công ty HP

6. CÁC CUỘC THI HỌC THUẬT, CÁC HOẠT ĐỘNG DÀNH CHO SINH VIÊN

Trong những năm vừa qua, hằng năm Khoa CNTT đã tổ chức rất nhiều các cuộc thi học thuật, các hoạt động dành cho sinh viên. Thu hút rất nhiều sinh viên tham gia, thu hút trên 3000 khán giả – cổ động viên đến với những hoạt động, cuộc thi. Với những trận đấu hào hững, nhưng không kém phần thân ái, đoàn kết, cung cấp nhiều kiến thức cho sinh viên.

  a. Cuộc thi: Micom Car Rally

–  Cuộc thi Micom Car Rally là một cuộc thi đã phổ biến tại Nhật Bản trong 10 năm nay (cuộc thi đầu tiên diễn ra vào năm 1996). Ở Việt Nam, MCR tại Khoa CNTT trường ĐH Khoa học Tự nhiên là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức này.

–  Cuộc thi diễn ra chính thức: tháng 10 đến nửa đầu tháng 11.

Vòng chung kết cuộc thi MCR 2006

 Đây là cuộc thi lập trình trên thiết bị xe tự vận hành (gồm có CPU, bộ điều khiển động cơ, động cơ, bộ cảm ứng…). Người tham gia sẽ lập trình điều khiển thiết bị sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++ bằng phần mềm chuyên dụng và biên dịch thành chương trình mã để nạp vào xe. Xe sẽ tự hoạt động theo những gì đã được lập trình từ trước để chạy trên.những vòng đua gồm các làn đường được thiết kế đặc biệt

  b Cuộc thi: Vui Cùng Tin học

–  Có thể nói đây là cuộc thi thu nhỏ của Thách Thức (được nêu chi tiết bên dưới), được tổ chức lần đầu tiên vào năm học 2005 – 2006 dành riêng cho sinh viên năm nhất của khoa và các trường Đại học khu vực Thủ Đức (Sư Phạm Kỹ Thuật, Học viện Bưu chính Viễn Thông, ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc Tế..).

–  Kiến thức của cuộc thi xoay quanh việc áp dụng các kiến thức CNTT trong chương trình học của sinh viên năm nhất vào các phần chơi với các vòng thi tương tự như cuộc thi Thách Thức.

–  Thời gian diễn ra cuộc thi vào  tháng 12 hằng năm.

   c. Cuộc thi: Thách Thức

–  Từ năm 2001 đến nay, cuộc thi học thuật truyền thống “Thách Thức” của khoa CNTT được CLB Tin học – Đoàn Khoa – LCH Khoa tổ chức với sự hỗ trợ từ phía Chi đoàn cán bộ trẻ khoa CNTT. Là cuộc thi học thuật lớn đầu tiên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, và là cuộc thi học thuật đầu tiên về Công nghệ Thông tin của các trường đại học trên toàn TP.HCM. Đến nay, “Thách Thức” đã trải qua 11 năm tổ chức với quy mô, tính chuyên nghiệp và chất lượng ngày càng cao, trở thành sân chơi không thể thiếu của đông đảo sinh viên khoa CNTT trường ĐH Khọc Khoa học Tự nhiên và các trường đại học trong toàn thành phố.

–  Với quy mô lớn, cuộc thi kéo dài trong 2 tháng: tháng 4 và tháng 5.

  d. Cuộc thi: Olympic Tin học trường ĐH KHTN

– Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam là sáng kiến của Hội Tin học, Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm động viên phong trào học tập tin học và khuyến khích các tài năng tin học trẻ.

– Năm 2004, Khoa CNTT tổ chức cuộc thi Olympic Tin học sinh viên trường lần đầu tiên nhằm tuyển chọn các sinh viên xuất sắc của trường chuẩn bị tham dự kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc và đã đạt rất nhiều thành tích đáng khích lệ tại cuộc thi này. Đội tuyển dự thi Olympic Tin học Sinh viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM với nòng cốt là SV Khoa CNTT luôn là một trong những đội xuất sắc nhât Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam. Lần tổ chức gần đây nhất, năm 2006, đội tuyển trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã thi đấu rất xuất sắc đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: 5 giải nhất (Cá nhân chuyên, Lều chõng chuyên, Lều chõng không chuyên, Mã nguồn mỡ, Đồng đội chuyên), 1 giải nhì (Cá nhân chuyên), 5 giải ba (Cá nhân chuyên, Cao đẳng, Siêu cúp (2), MicroMouse), 2 giải khuyến khích (cao đẳng)

Lễ bế mạc OLYMPIC TIN HỌC SINH VIÊN VIỆT NAM lần thứ XI – Đội tuyển trường ĐH KHTN TP.HCM

– Năm 2006, cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã mở rộng cho các sinh viên các trường đại học trên toàn thành phố tham dự.

– Có 2 bảng thi đấu: khối chuyên (dành cho sinh viên các năm thuộc ngành CNTT, Toán-Tin, Điện tử tin học) và khối không chuyên (sinh viên các khối Cao Đẳng và sinh viên các khoa khác có hiểu biết và yêu thích CNTT).

– Hình thức thi: lập trình trên máy với ngôn ngữ lập trình C++.

Bình luận