Lịch sử là một trong những môn thi để dự tuyển vào lớp 10 năm học 2019 – 2020. Hiện nay, các học sinh, giáo viên cũng như phụ huynh đang trong giai đoạn gấp rút ôn luyện cho môn thi này.
1. Ám ảnh môn lịch sử
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội là trường chất lượng cao, điểm trung bình môn lịch sử của các lớp khối THCS ở mức cao so với mặt bằng điểm các môn khác nhưng tin “thi sử” với nhiều phụ huynh và học sinh vẫn như “tiếng sét giữa trời quang”.
Chỉ 2 ngày sau khi biết thông tin thi sử, phụ huynh học sinh một số lớp 9 đã lập nhóm “ôn sử” vì cho rằng phải “xắn tay luyện thi với con”.
Ám ảnh “sợ sử” cộng với việc lần đầu tiên môn thi này xuất hiện trong kỳ thi tuyển nên cả thầy và trò đều không có sự chuẩn bị và kinh nghiệm ôn tập, có lẽ lúng túng cũng từ đó.
Cô Lê Thu, giáo viên lịch sử của trường, cho biết cô phải lên tiếng để trấn an tinh thần học sinh vì trước hết, các thầy cô không thể để học sinh hoang mang.
“Ngay trong thiết kế chương trình đầu năm, các môn học đều sẵn sàng cho kỳ thi này. Hơn nữa, nội dung thi chủ yếu vào chương trình lớp 9 nên chỉ cần học sinh bình tĩnh và tập trung vào các nội dung cơ bản thì sẽ ổn” – cô Thu cho biết. Tuy vậy, vì là “lần đầu” nên ai cũng lo lắng.
Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội trong các khảo sát về sự “yêu thích với môn học”, kết quả rất bất ngờ là số học sinh yêu thích môn lịch sử có tỉ lệ cao nhất do bộ môn này có nhiều sáng tạo trong cách dạy học, giúp học sinh tiếp cận lịch sử qua trải nghiệm, dự án học tập.
Tuy nhiên, theo một giáo viên ở trường này, giữa học và thi rất khác. Nếu không áp lực thi, cả thầy và trò đều thoải mái trong việc đổi mới phương pháp dạy học để trò tiếp cận kiến thức theo các hình thức đa dạng và thiết thực.
Nhưng vì là môn thi, giáo viên không dám “phá cách” mà phải gò học sinh bám sát chương trình, đề thi minh họa.
Một số hiệu trưởng trường THCS tại Hà Nội cũng cho biết mọi đổi mới phương pháp dạy học chỉ dám làm ở các lớp 6, 7, còn lên tới lớp 8, nhất là lớp 9 tuyệt đối không đổi mới, sáng tạo vì sợ nếu “chệch ra ngoài”, học sinh sẽ không nắm được nội dung để đi thi…
Học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang trong giai đoạn nước rút ôn sử
2. Lý, hóa sinh “đóng cửa”, tăng ca ôn sử
Tại các trung tâm luyện thi độc lập ở Hà Nội, các lớp ôn lý, hóa, sinh đều đã đóng cửa, thay vào đó là việc tăng ca ôn thi lịch sử. Cùng với việc ôn tập, nhiều trung tâm thông báo các đợt thi thử môn lịch sử.
Tràn ngập trên mạng và các khu vực trung tâm luyện thi ở Hà Nội là thông báo “ôn thi lịch sử cấp tốc”. Với mức giá 200.000 đồng/buổi/học sinh, các khóa học kéo dài 10-20 buổi/đợt.
Ngoài việc học tập trung, hình thức luyện thi online cũng được nhiều trung tâm tại Hà Nội áp dụng. Các chuyên đề được giáo viên giảng qua các video clip, kèm theo tương tác giữa người học và giáo viên.
Lo âu, áp lực khiến nhiều phụ huynh có phản ứng tức thời là chạy đôn chạy đáo tìm tài liệu và lớp học thêm lịch sử cho con, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ cho nhau hàng loạt tài liệu ôn tập – trong đó có những tài liệu mới biên soạn nhưng cũng có nhiều tài liệu cũ, xào xáo lại.
“Tôi được giới thiệu và chia sẻ tài liệu “555 câu hỏi trắc nghiệm lịch sử 9″ của NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Thấy nhiều phụ huynh khác cũng cho biết có tài liệu này nên tôi đi xin nhưng sau khi kiểm tra mới biết đây là tài liệu cũ từ cả chục năm trước” – một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết.
Có những phụ huynh vì lo lắng nên đã mua đến cả chục đầu sách ôn lịch sử về đọc trước để tư vấn cho con ôn tập. “Hoa mắt chóng mặt và thêm hoang mang” – một bà mẹ có con học lớp 9 Trường THCS Trưng Vương kể lại sau khi nghiên cứu gấp rút tài liệu.
Tuy vậy, vẫn có nhiều nhóm phụ huynh lùng mua hết những cuốn sách ôn tập tung ra thị trường, mang về thảy cho con tham khảo.
“Tôi đã có cuốn Ôn luyện thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 môn lịch sử nhưng lại thấy nhiều người nói nên mua thêm cuốn Ôn tập môn lịch sử lớp 9, Luyện thi vào lớp 10 môn lịch sử…, càng mua càng hoang mang vì nhiều số liệu, mốc thời gian lịch sử phải ghi nhớ trong khi con còn ôn tập thêm ba môn khác” – chị Thu Hương, có con học lớp 9 Trường THCS Cầu Giấy, cho biết.
Theo lãnh đạo các trường THCS tại Hà Nội, từ ngày 11-3 các trường đồng loạt xếp lịch luyện thi thêm môn lịch sử tại trường. Nhưng có một thực trạng là nhiều giáo viên lịch sử gặp lúng túng do chưa có kinh nghiệm.
“Theo đặc trưng bậc học, nhiều giáo viên dạy sử hiện nay đều là giáo viên đào tạo chuyên ngành văn – sử hoặc giáo dục công dân chuyển sang dạy sử nên việc tư vấn cho học sinh phương pháp ôn tập, luyện thi trắc nghiệm bị hạn chế” – một lãnh đạo ngành GD-ĐT tại Hà Nội nhận xét.
“Tôi không tin tưởng giáo viên ở trường có kinh nghiệm ôn tập nên cho con học thêm bên ngoài với 2 ca/ngày, một ca học ôn tập kiến thức lịch sử, một ca luyện kỹ năng thi trắc nghiệm môn lịch sử” – chị Hằng, một phụ huynh Trường THCS Phương Mai, cho biết.
Theo chị Hằng, việc phụ huynh cho con đi học thêm lịch sử bên ngoài trung tâm dù đã được tăng cường học ở trường là rất phổ biến, vì tâm lý quá lo lắng.
3. Giáo viên, phụ huynh “lập nhóm ôn sử”
Nhiều giáo viên có tên tuổi trong giới luyện thi qua mạng đã lập nhóm mở sẵn sàng chia sẻ với học sinh và giáo viên dạy lịch sử các trường THCS tại Hà Nội.
Cô Lê Thu cho biết chương trình lịch sử lớp 9 khá đồng tâm so với lớp 12. Việc ôn tập cũng bám sát chương trình lớp 9 nên không quá đáng sợ. Nhưng chính giáo viên, cha mẹ học sinh vì căng thẳng mà gây áp lực thêm cho học sinh.
“Tôi đã xây dựng một video clip về phương pháp luyện thi lịch sử lớp 9 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên lịch sử THCS, chỉ mong sao các thầy cô tư vấn sát sao để các em học sinh yên tâm” – cô Thu cho biết.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai – Hệ thống giáo dục Hocmai (Hà Nội) – cho biết có thể hướng dẫn học sinh học theo sơ đồ tư duy để nắm vững kiến thức cơ bản rồi thực hành qua làm đề theo đúng cấu trúc đề thi minh họa. Nếu ôn tập đúng phương pháp thì không đáng ngại với môn lịch sử.
Tình trạng “ôn thi cùng con” theo hướng tiêu cực lại nhiều hơn do cha mẹ quá lo lắng. Một số nhóm phụ huynh chia nhau làm đề cương luyện thi cho con và chia sẻ cho nhau để tạo cẩm nang ôn tập với ý nghĩ “con không phải mất công làm đề cương, chỉ cần học thuộc lòng”.
Đây là cách làm không hợp lý vì học sinh học qua quá trình tự làm đề cương, sơ đồ ôn tập thì mới có thể ghi nhớ tốt.
4. Một số nhận xét về vấn đề này
Nguyễn Quốc Vương (nguyên giảng viên môn lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản): Học để thi hay học để phát triển?
“Tôi không viết sách luyện thi nhưng tôi nghĩ nếu có phương pháp tư duy tốt, cách học tốt thì khi cần học để thi nó cũng rất hiệu quả.
Để con thi tốt các môn xã hội, cha mẹ, thầy cô nên hướng dẫn học sinh đọc, học có phương pháp để hiểu bản chất và rèn tư duy. Việc này càng làm tốt từ tiểu học thì lên THCS, THPT càng có lợi thế.
Bản thân tôi cũng là một ví dụ. Khi đi học không quá chú trọng đến thi và điểm, nhưng nhờ chăm đọc mà khi cần phải hiểu và ghi nhớ lượng thông tin lớn trước kỳ thi tôi không cảm thấy lúng túng.
Ngược lại, nếu từ bé chỉ cho con học để thi bằng cách học thuộc sách giáo khoa, làm đề thì khi cần sáng tạo, vượt ra khỏi khuôn mẫu, trẻ sẽ không có can đảm và kỹ năng làm điều đó.
Trường học, thầy cô, phụ huynh không nên biện hộ cho chiến thuật thi mà phá hủy chiến lược phát triển con người.”
Thầy Phan Đông Xuân (tổ trưởng tổ sử – giáo dục công dân Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM): Mới chỉ là cái ngọn
“Tôi hiểu ý đồ của Sở GD-ĐT Hà Nội là muốn học sinh và phụ huynh nói riêng, xã hội nói chung phải quan tâm hơn đến môn sử. Thế nên họ mới có quyết định đưa môn sử vào thành môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đưa môn sử vào là môn thi chính thức trong một kỳ thi quan trọng như thế chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc.
Cái gốc của vấn đề là phải có bộ sách giáo khoa (SGK) môn sử hấp dẫn, phản ánh khách quan các sự kiện lịch sử. Học sinh bây giờ tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, chúng ta không thể áp đặt các em phải học và hiểu môn sử theo sự sắp xếp của người lớn.
Cái gốc nữa của vấn đề là Nhà nước đặt môn sử ở vị trí nào? Ở các nước tiên tiến trên thế giới, muốn nhập quốc tịch, người dân phải trả lời các câu hỏi về lịch sử đất nước. Bên cạnh đó, môn sử cũng được xem là môn học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia. Còn ta thì sao?”
Nguyễn Phong Vân (cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM): Tại sao không đổi mới chương trình?
“Tôi thấy thương cho các em học sinh lớp 9 ở Hà Nội quá. Chẳng biết các em có thực sự thích môn sử không nhưng nó đã thành môn thi chính thức thì bắt buộc phải nhồi nhét những kiến thức khô khan, nhàm chán vào đầu rồi.
Thời đi học bậc phổ thông, tôi may mắn được gặp giáo viên dạy sử rất tâm huyết. Thầy soạn bài theo chủ đề, thầy cho chúng tôi xem phim, dạy cho chúng tôi những điều không có trong SGK như thời trang ngày xưa như thế nào, vũ khí thời đó ra sao… Tôi rất yêu môn sử nhờ thầy, nhưng khi thầy ngỏ lời bảo tôi đi thi học sinh giỏi môn sử thì tôi từ chối thẳng thừng. Vì tôi biết mình không có đủ khả năng để mà “gạo” hết cuốn SGK dày cộp khô khan ấy.
Chúng tôi cứ bảo nhau tại sao SGK không biên soạn như những gì thầy giáo của chúng tôi đã dạy, theo hướng “dạy cho học sinh những gì các em quan tâm”?
Theo Tuổi trẻ