“Đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận”. Đây là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội trong Quyết định 1363 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”. Liệu mục tiêu này có khả thi?
Đường đua danh tiếng của các trường Cao đẳng chất lượng cao
1, Tăng thêm 30 trường chất lượng cao
Nhìn lại đề án ban đầu “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 761 ngày 23-5-2014, mục tiêu đặt ra là: Từ giai đoạn năm 2014-2016, từng bước thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài; giai đoạn 2017-2020, từng bước mở rộng các nghề đã thí điểm đào tạo có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ bởi các tổ chức giáo dục đào tạo có uy tín của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 40 trường chất lượng cao…
Trong khi đó, đề án bổ sung, điều chỉnh đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Như vậy, trong vòng 5 năm sẽ tăng thêm 30 trường chất lượng cao so với đề án cũ.
Điểm tích cực là tư duy của ban soạn thảo đề án có hướng mở, không dành đặc quyền cho các trường công và chăm chăm vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, đề án chú trọng phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.
Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.
Về kinh phí thực hiện, giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và an toàn lao động được phê duyệt tại Nghị quyết số 73 (ngày 26-8-2016) và Quyết định số 899 (ngày 20-6-2017) của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nguồn vốn cho đề án bổ sung (giai đoạn 2021-2025), ngân sách trung ương hỗ trợ theo cơ chế có mục tiêu từ các chương trình, dự án trọng điểm trong khả năng cân đối hàng năm. Ngoài ra, còn có kinh phí huy động, lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài nước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó là nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, nguồn vốn hợp pháp khác.
2, Cần minh bạch
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề án bổ sung có điểm tích cực, đó là không phân biệt trường công – trường tư, nếu đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao. Điều này đi đúng mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Đồng thời, vấn đề đặt hàng, sử dụng ngân sách nhà nước cũng có lựa chọn, chứ không theo kiểu dàn trải như trước đây.
Đường đua danh tiếng của các trường Cao đẳng chất lượng cao
Tuy nhiên, điều các trường đang phân vân là vấn đề trường nghề chất lượng cao theo đề án cũ và trường cao đẳng chất lượng cao đề án mới. Tiêu chí của trường nghề chất lượng cao (khi các trường cao đẳng chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT chưa chuyển về Bộ LĐTB-XH quản lý) có áp vào trường cao đẳng chất lượng cao (cả trường cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp) hay không? Nếu phải có tiêu chí mới thì phải xây dựng và công khai như thế nào cho phù hợp?
Về vấn đề trường công và trường tư trong đề án, các trường cũng yêu cầu cần phải minh bạch. Đề án có đề cập: “Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.
Cũng khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. Nếu trường cao đẳng tư thục đạt chuẩn chất lượng cao, thậm chí cả chuẩn quốc tế, thì liệu họ có được lựa chọn để đặt hàng, được tiếp cận nguồn vốn, nguồn tài trợ từ các tổ chức…
Hiệu trưởng một trường cao đẳng tư thục tại TPHCM cho hay, trong đề án cũ, Bộ LĐTB-XH có kèm theo 45 trường được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao. Tuy nhiên, trong đề án mới hoàn toàn chưa thấy danh sách các trường.
Với cái nhìn của người trong cuộc, TS Hoàng Ngọc Vinh, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Theo tôi, một số trường nghề trong đề án cũ khó khăn về tuyển sinh, khả năng ngoại ngữ của sinh viên kém và giáo viên cũng vậy… Về công tác kiểm định với trường cao đẳng hiện nay tương tự như kiểm định giáo dục đại học, không hiệu quả bằng kiểm định chương trình hoặc kiểm định nghề đào tạo. Nhiều trường đạt chuẩn kiểm định nhưng xã hội không tin, vì thực tế có nhiều vấn đề. Chúng ta nên thận trọng, không phải có tiền đổ vào là có chất lượng cao, mà phải đồng bộ nguồn tuyển tốt, giáo viên tốt, quản lý giỏi, chương trình tốt…”.
Hiệu trưởng một trường cao đẳng công lập tại TPHCM cũng thẳng thắn: Đề án đã được duyệt, còn kết quả thành công – thất bại phải tùy thuộc Bộ LĐTB-XH. Nếu không xây dựng tiêu chí trường chất lượng cao rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy chuẩn quốc tế, khu vực… để chạy theo số lượng, dán nhãn trường cao đẳng chất lượng cao thì chắc chắn sẽ lãng phí ngân sách nhà nước, còn hiệu quả thì không bao giờ đạt được.
THANH HÙNG
sggp.org.vn