Giáo-làng IT, thần tiên tỷ tỷ, thầy giáo vạn người mê và sát thủ võ đường là những biệt danh thân thương mà sinh viên dành cho 4 giảng viên Đại học FPT. Họ là ai và có gì mà thu hút sinh viên đến vậy?
Cùng “thả tim” cho các giảng viên cực chất của Đại học FPT nào!
Top 10 trường đại học dân lập có cơ hội việc làm cao nhất TP HCM đã gọi tên FPT ở vị trí số 4. Quả ngọt mà sinh viên FPT đang gặt hái phần nào có được là nhờ công vun trồng của đội ngũ truyền cảm hứng – các giảng viên Đại học FPT.
Nay, Thông tin tuyển sinh xin giới thiệu 4 gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ truyền cảm hứng này, những người đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ sinh viên FPT.
1. Giáo-làng IT: đã mang sẵn lửa ở trong tim
“Giáo-làng” là biệt danh làm nên tên tuổi của thầy Nguyễn Thế Hoàng, giảng viên Đại học FPT chuyên ngành IT. Hơn cả hình ảnh người thầy nghiêm cẩn, “cao xa vời vợi”, giáo-làng IT luôn hướng đến việc trở thành bạn đồng hành của sinh viên, hiểu rõ tâm lý và sở thích của “tụi nhỏ” để mang lại nhiều bài giảng chất lượng và ý nghĩa.
Người thầy tuổi tứ tuần này quan niệm rằng cuộc đời là luôn phải tiến lên, sống trọn từng khoảnh khắc, giữ cho mình máu lửa và nhiệt huyết như thời “trẻ trâu”. Lòng nhiệt huyết và cái “lửa” với nghề được thể hiện qua những tiết học của thầy, với cách dạy tếu táo hóm hỉnh nhưng vẫn nghiêm túc quân luật, tạo cho sinh viên một nền nếp nhất định.
Thầy Nguyễn Thế Hoàng, giáo-làng IT luôn đồng hành cùng các FPT-ers
“Khi mà có ai đó hỏi ta: Anh có hộp quẹt không? Lúc đấy ta phanh áo vỗ ngực: Đã mang sẵn lửa ở trong tim. Cho nên chớ hỏi quẹt diêm làm gì.” – Câu chuyện cười này hẳn là sinh viên nào học thầy đều đã từng nghe qua. Thế mới thấy, thật không ngoa khi nói rằng thầy giáo-làng IT luôn mang sẵn lửa trong tim.
2. Thần tiên tỷ tỷ: “bùa yêu” của bộ môn nhạc cụ dân tộc
Bộ môn nhạc cụ dân tộc là một trong những “đặc sản” chỉ có ở FPT. Vì thế, cũng chỉ có các FPT-ers mới có được niềm vui vừa học văn hóa cổ truyền, vừa thưởng nhạc, ngắm “nhạc sư”.
“Thần tiên tỷ tỷ” với vẻ đẹp dịu dàng, thiết tha làm lòng người xao xuyến của bộ môn này chính là cô Nguyễn Thùy Chi, cựu sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Không chỉ chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, cô còn được biết đến như là một giọng ca trù “oanh vàng” của khoa.
Giảng viên Nguyễn Thùy Chi, người chinh phục trái tim sinh viên với làn điệu âm nhạc truyền thống
Nếu bạn cho rằng cô Thùy Chi được nhiều sinh viên yêu quý vì sắc đẹp rạng ngời thì bạn chỉ đúng được một nửa thôi! Những bài giảng đa dạng, cuốn hút mà cô dày công chuẩn bị mới chính là “bùa yêu” làm học trò “say như điếu đổ”, dù không phải là dân học nhạc chuyên nghiệp.
Chia sẻ về công việc của mình, “thần tiên tỷ tỷ” cho biết cô mong muốn truyền tải những làn điệu truyền thống đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa và tiếp tục cống hiến hết mình cho bộ môn tâm huyết mà cô quyết tâm theo đuổi từ năm lên 10 đến nay.
3. Thầy giáo vạn người mê: keyword cho kỷ nguyên 4.0 là “tốc độ”
Thầy Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Bộ môn Tài chính Ngân hàng tại Đại học FPT, được mệnh danh là “thầy giáo vạn sinh viên khối ngành Kinh tế mê”, bởi thầy luôn đặt cái “tâm” và cái “tầm” lên hàng đầu khi giảng dạy.
Tâm niệm đề cao việc học sâu hiểu kĩ, thầy luôn hướng đến truyền đạt những kiến thức lý thuyết lồng ghép vào những bài học cuộc sống, kinh nghiệm thực tế đã gặp khi hành nghề. Cách học thiết thực đó mang đến niềm cảm hứng lớn lao, tạo được nhiều động lực học tập cho sinh viên.
Thầy Nguyễn Thành Tâm, người mà sinh viên Kinh tế nào cũng mê!
Bạn Mai Trâm, một sinh viên K13 ngành Quản trị kinh doanh đã từng học thầy, chia sẻ: “Mình vô cùng thích giờ dạy của thầy Tâm. Ở đó, chúng mình vừa tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, vừa lắng nghe những câu chuyện vô cùng thú vị xung quanh cuộc sống và kinh nghiệm làm việc của thầy.”
Nhắn nhủ với sinh viên về thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thầy thường xuyên nhắc nhở: “Thầy có một số keywords như sáng tạo, trau dồi, tích lũy, quan sát, tri thức… nhưng có lẽ trong bối cảnh và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cùng toàn cầu hóa mạnh mẽ, thầy thích nhất là từ TỐC ĐỘ.”
4. “Sát thủ” võ đường Vovinam: học ra học, chơi ra chơi
Nếu hình ảnh thường xuyên thường xuyên gặp được trong giờ Giáo dục thể chất ở các trường đại học là sinh viên vừa học vừa tán ngẫu, nô đùa, thì FPT lại là một câu chuyện khác hẳn.
Thầy Phùng Thế Lập, giảng viên bộ môn Vovinam của Đại học FPT, luôn gây ấn tượng với mái tóc 3 phân chuẩn quân đội, sự đúng giờ, nghiêm khắc trong mỗi giờ giảng, với khẩu hiện “học ra học, chơi ra chơi”.
Nhờ có thầy, võ đường Vovinam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên
Giờ tập thể lực, nữ 10 vòng, nam 15 vòng quanh sân bóng rồi về tiếp tục khởi động lăn lộn các kiểu là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chính những giờ phút tập luyện “thở không ra hơi”, “mệt rũ người” là tiền đề cho một sức khỏe vững vàng và tinh thần sảng khoái để sẵn sàng cho việc học tập cao độ.
Nhưng đừng vì vậy mà cho rằng thầy kém phần quan tâm đến các sinh viên của mình! Bạn Nguyễn Trang (K13), thành viên của câu lạc bộ Vovinam, bùi ngùi tâm sự: “Với mình, thầy không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha.
Hôm tất niên, một mình thầy thái nguyên một con lợn quay chia đều ra các mâm, sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người đâu vào đấy rồi thầy mới ngồi. Hôm đấy mọi người dựng lều ngủ qua đêm ở sân bóng Fschool, nên trước khi đi về, thầy ghép gọn các cạnh bạt lại để gió không lùa vào trong, giúp giữ ấm cho các bạn.”
Giáo-làng IT, thần tiên tỷ tỷ, thầy giáo vạn người mê và sát thủ võ đường là những đại diện tiêu biểu cho giảng viên Đại học FPT: “gặp nhau một môn thôi là nhớ nhau cả đời”.
Bạn đã vinh dự “kinh qua” các giảng viên này chưa? Nếu có, hãy chia sẻ ngay những kỷ niệm của mình á trường Đại học FPT với Thông tin tuyển sinh nhé!