Từ năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống.
Học song ngành ở trường đại học quốc gia TP HCM như thế nào?
1. Chỉ dành cho sinh viên chính quy tập trung
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ban hành quy định đào tạo song ngành trình độ ĐH hệ chính quy và dự kiến thí điểm từ đầu năm 2020.
Theo quy chế này, đào tạo song ngành là phương thức tổ chức học cùng lúc hai chương trình, trong đó ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Ngành thứ hai sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện đăng ký và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định.
Theo đó, chương trình song ngành sẽ gồm 2 phần, ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam, ngành thứ hai tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành.
Sinh viên đăng ký học song ngành phải đang theo học ĐH hệ chính quy tập trung tại ĐH này, không áp dụng với chương trình đào tạo liên kết trong nước và nước ngoài.
Chương trình đào tạo ngành thứ 2 phải khác ngành nhất, sinh viên đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình ngành thứ nhất và thuộc diện xếp loại học lực trung bình khá trở lên.
Cũng theo quy định này, điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ hai là sinh viên đã đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ nhất.
2. Các trường triển khai ra sao?
Hiện tại các trường thành viên đang xây dựng đề án trình ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt.
Theo dự kiến, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thí điểm 5 ngành gồm: quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, báo chí, quản trị du lịch và lữ hành, tâm lý học. Theo đó, tổng số tín chỉ các chương trình này từ 120-133 tín chỉ. Số tín chỉ song ngành với các ngành cùng khối từ 70-80 tín chỉ, số tín chỉ song ngành khác khối ngành từ 78-80 tín chỉ.
Trường ĐH Kinh tế-luật triển khai đào tạo song ngành gồm: kinh tế quốc tế (chương trình kinh tế đối ngoại), quản trị kinh doanh (chương trình quản trị kinh doanh), luật kinh tế (chương trình luật kinh doanh).
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm 2020 sẽ tuyển sinh 1 chương trình song ngành đào tạo đồng thời 2 ngành kỹ thuật hàng không và kỹ thuật tàu thủy (xét 60 chỉ tiêu theo 2 tổ hợp A00 và A01). Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, đây là chương trình song ngành được thiết kế mới dựa vào chương trình riêng lẻ của từng ngành học trên. Thí sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu các môn học của 2 ngành ngay khi nhập học. Như vậy, ở chương trình đại trà trường sẽ không tuyển sinh từng ngành riêng lẻ kỹ thuật hàng không và kỹ thuật tàu thủy mà thay thế bằng chương trình song ngành.
Cũng theo ông Thắng, hiện trường chưa xây dựng xong đề án cho phép sinh viên trong ĐH Quốc gia TP.HCM cùng lúc học ngành 2 tại Trường ĐH Bách khoa. Tuy nhiên, sinh viên vẫn được phép đăng ký tích luỹ một số môn học tại trường.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên hiện đang trong quá trình xây dựng đề án chương trình song ngành.
3. Điều kiện học song ngành tại trường đại học quốc gia TP HCM
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết điểm mới nhất của hình thức đào tạo song ngành áp dụng từ năm 2020 là cho phép sinh viên trường khác trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM được đăng ký học song ngành tại trường. Còn quy định trước đây, dù được học song ngành nhưng chỉ áp dụng cho sinh viên nội bộ trường. Ví dụ, với quy chế này thì sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên có thể đăng ký học ngành thứ 2 là báo chí tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nếu muốn và có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hạ, để tham gia học song ngành sinh viên phải đáp ứng những điều kiện đầu vào theo quy định chung và quy định riêng tùy ngành.
“Trường đang soạn thảo đề án, dự kiến điều kiện theo học song ngành là hết năm thứ nhất với điểm trung bình chung đạt từ trung bình khá trở lên. Riêng ngành quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh nếu không trúng tuyển đầu vào bằng tổ hợp khối D1 thì phải tham gia bài kiểm tra trình độ tiếng Anh. Ngoài ra, trong trường hợp số lượng sinh viên đăng ký nhiều, trường có thể sẽ ưu tiên xét sinh viên có học lực hoặc ngoại ngữ tốt hơn”, tiến sĩ Hạ chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Hạ, một điểm khác biệt nữa còn ở cách thức tổ chức lớp học. Nếu trước đây sinh viên tự đăng ký tín chỉ và học chung với sinh viên các ngành khác thì nay sẽ có lớp học riêng cho diện sinh viên này.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế-luật, từ năm 2012 trường này đã ban hành quy định đào tạo song ngành nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ. Còn với quy định đào tạo song ngành ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố, điểm khác biệt trong đào tạo song ngành giai đoạn tới là trường sẽ tiếp nhận tất cả sinh viên các trường thành viên trong hệ thống đủ điều kiện đăng ký học.
Hà Ánh
thanhnien.vn – 02/01/2020