“Ngành Công nghệ thông tin hiện nay và những năm tới nhu cầu nhân lực yêu cầu số lượng lớn; tuy nhiên vấn đề cung – cầu nhân lực của ngành này đang tồn tại nhiều nghịch lý”.
Đó là nhận định của ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM.
Sự phát triển ngành công nghệ thông tin ở TPHCM
Theo khảo sát thì thị trường nhân sự khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là TPHCM có nhu cầu nhân lực rất lớn, yêu cầu cao nguồn lao động qua đào tạo nghề về số lượng và chất lượng chuyên môn kỹ thuật.
Ở giai đoạn 2011 – 2015, với tốc độ tăng chỗ làm việc mới bình quân 3% đến 3,5% mỗi năm, thành phố sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 270.000 đến 280.000 chỗ làm việc/năm. Riêng ngành công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhu cầu nhân lực lớn, chiếm khoảng 3% – 4% tổng nhu cầu trên.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Nhìn chung việc đào tạo ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt cơ cấu trình độ chuyên môn và kỹ năng thích ứng sự phát triển của ngành CNTT trong các doanh nghiệp”.
Theo thống kê nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT trên địa bàn TPHCM thì nhu cầu trong năm 2011 tăng (21,21% ) so với năm 2010; cần nhiều trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web…
Nhân lực CNTT giỏi chuyên môn là đối tượng săn đón của các công ty tại những hội chợ việc làm
Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực đa số lại là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Điều cần chú ý hơn là số lượng sinh viên – học sinh chuyên ngành công nghệ thông tin đang có xu hướng giảm đáng kể.
Chưa hết, điểm yếu của đội ngũ nhân lực CNTT này là còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả kiến thức ngoại ngữ. Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Theo thống kê của Viện chiến lược CNTT thì sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp ra trường 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất và 77,2% doanh nghiệp phải đào tạo lại các nhân viên mới. Đáng quan tâm là 70% không thành thạo ngoại ngữ”.
Ông Tuấn nhận định: “Hiện nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường lao động”.