Theo dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức vào các ngày 25 và 26/6, sáng ngày 27/6 là buổi dự phòng. Ngày 24 các thí sinh sẽ tập trung và làm các thủ tục dự thi.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức vào các ngày 25 và 26/6, sáng ngày 27/6 là buổi dự phòng.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Kha (Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) tại buổi tư vấn, giải đáp cho các học sinh lớp 12 mới đây.
Ông Kha cho hay kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản giữ ổn định phương thức như kỳ thi các năm gần đây, chỉ có một số điều chỉnh về kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.
Theo ông Kha, dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức vào các ngày 25 và 26/6, sáng ngày 27/6 là buổi dự phòng. Ngày 24 các thí sinh sẽ tập trung và làm các thủ tục dự thi.
Quá trình tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ vẫn diễn ra từ cuối tháng 7 cho đến hết tháng 12.
Về đề thi, nội dung kiến thức nằm trong chương trình THPT nhưng chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12.
“Chủ yếu tập trung ở lớp 12, phân lượng của lớp 10 và lớp 11 là rất nhỏ, sử dụng chủ yếu kiến thức liên quan lớp 12 do đó các thí sinh không cần quá lo lắng”, ông Kha lưu ý.
Trước những băn khoăn của học sinh về tỷ lệ câu hỏi khó dễ để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, ông Kha cho hay tỷ lệ trong đề thi sẽ là 60% ở mức dành cho mục tiêu tốt nghiệp, 40% phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ.
Hiện, Bộ GD-ĐT đang gấp rút, thận trọng và kỹ lưỡng để chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đề thi nhằm đảm bảo tỷ lệ này trong tất cả các đề thi.
Năm nay Bộ cũng điều chỉnh tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia và điểm trung bình lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
“Năm nay tỷ lệ điểm thi sẽ là 70% và tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ là 30%, tức tăng sức ảnh hưởng từ điểm thi nhằm hướng tới việc học thật, đánh giá thật”, ông Kha nói.
Dự kiến lịch thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Về việc được miễn thi ngoại ngữ, xét các chứng chỉ quốc tế, ông Kha cho hay: “Việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ chủ yếu trong việc xét công nhận tốt nghiệp, còn xét tuyển sinh thì tùy thuộc vào các trường ĐH. Đối với những chứng chỉ được Bộ GDĐT công nhận, thí sinh sẽ được điểm 10 môn ngoại ngữ trong việc xét tốt nghiệp THPT”.
Đối với các thí sinh, đại diện Bộ GD-ĐT cũng đưa ra lời khuyên cần xem xét khả năng thực sự của mình để đăng ký dự thi, tuyển sinh.
Đây là giai đoạn nước rút nên các em học sinh cần đầu tư học tập nhưng cũng không nên đạt ra những mục tiêu quá cao, tự tạo áp lực cho chính mình cũng như người thân, gia đình. Thay vào đó, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để có trí lực sung mãn và tâm thế tốt, thoải mái để bước vào kỳ thi tốt.
Cảm ơn các bạn đã xem và đón đọc.