Học sinh nên tìm hiểu kỹ, cân nhắc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, không nên vội vàng chạy theo ngành mới hoặc “hot”.
Tuyển sinh 2020 – trường đại học ồ ạt mở ngành mới
Những ngày qua hàng loạt trường ĐH-CĐ trên cả nước lần lượt công bố phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2020.
Bên cạnh những điểm mới về chỉ tiêu và phương thức xét tuyển, phần lớn các trường đều dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới. Trung bình mỗi trường mở thêm 2-3 ngành, có những trường mở hơn chục ngành mới với nhiều lĩnh vực khác nhau.
1. Công nghệ, hệ chất lượng cao lên ngôi
Trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu theo nhiều phương thức, như xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT…
Đáng nói ĐH này dự kiến sẽ mở thêm đến 17 ngành học mới cho các đơn vị thành viên với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể như khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học, quản lý phát triển đô thị và bất động sản, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, kinh tế phát triển, sư phạm lịch sử và địa lý…
Tương tự, các đơn vị thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng mở thêm nhiều ngành học mới, chủ yếu ở nhóm công nghệ và hệ chất lượng cao. Như Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến mở thêm sáu ngành gồm khoa học dữ liệu, công nghệ vật liệu, vật lý y khoa, kỹ thuật địa chất, toán ứng dụng, toán tin.
Hay như Trường ĐH Bách khoa dự kiến mở thêm năm chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật).
Trong năm 2020, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2020 tuyển sinh mới năm ngành: Marketing – truyền thông; quản trị khách sạn; logistics và quản trị chuỗi cung ứng; đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; sinh học ứng dụng.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến tuyển sinh bốn ngành học mới với tổng chỉ tiêu 400: Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành, quản trị khách sạn.
Tương tự, các trường ngoài công lập như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Văn Lang… cũng dự kiến mở thêm hơn chục ngành học mới, chủ yếu về sức khỏe và công nghệ.
Bên cạnh dự kiến mở thêm ba ngành mới là hệ thống nhúng và IoT, kiến trúc nội thất và thiết kế thời trang (chất lượng cao), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đã chủ động ngừng tuyển sinh hai ngành công nghệ vật liệu dệt may và kỹ thuật nữ công vì khó tuyển, điểm chuẩn thấp.
2. Hệ thống ngành nghề phình to, học sinh dễ rối
Việc các trường ĐH ồ ạt mở ngành mới nhiều như năm nay thực ra đã được dự báo trước. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, các trường ĐH được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực của Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế tại TP.HCM, cho rằng việc mở ra ngành mới là tất yếu khi các trường được tự chủ. Nhất là nhóm ngành về công nghệ cũng phù hợp với nhu cầu nhân lực hiện nay khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là sự chủ động đón đầu cho sự phát triển của kinh tế và công nghệ của các trường ĐH. Việc này cũng giúp các trường dễ thu hút học sinh (HS) để tuyển sinh tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào.
“Có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật đến khiến sinh viên ra trường khi đi xin việc làm sẽ gặp khó khăn. Do đó bản thân các trường ĐH mở ngành cũng nên tham khảo ý kiến từ doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh HS hơn” – ông Tuấn góp ý.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, việc mở ngành quá nhiều khiến hệ thống ngành nghề ngày càng trùng điệp quá. Bởi có nhiều ngành mới mở ra thực chất cũng chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho HS.
Phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu
Việc mở nhiều ngành mới là xu hướng tất yếu khi các trường phải đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cho thấy cơ chế thị trường ngày càng rõ nét hơn trong hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam. Cơ chế này cũng sẽ giúp thanh lọc những cơ sở đào tạo thiếu chất lượng hoặc những ngành nghề không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc mở ngành cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế như quy định về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, nhu cầu thị trường… PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nên tăng cường quản lý ngành nghề đào tạo Nhà nước nên tăng cường công tác quản lý, rà soát những ngành nghề nào trùng lắp về tên, những ngành nghề đã cũ và không còn phù hợp để cơ cấu lại, giúp HS dễ hiểu và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu |
PHẠM ANH
plo.vn – 30/12/2019