Phát triển ngành công nghệ thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

Thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, những năm qua, Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.

Phát triển ngành công nghệ thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh, đồng chí Trần Gia Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh chia sẻ: Tin học hoá hoạt động của các cơ quan nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính là nhiệm vụ thường xuyên nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giúp kết nối liên thông, tiết kiệm chi phí, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cùng với cả nước, Vĩnh Phúc xác định việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là yêu cầu cấp thiết trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, nay là Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn.

Tỉnh đã ban hành các chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; kế hoạch thực hiện chính phủ điện tử; quyết định ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đây là cơ sở để triển khai liên thông mã số hồ sơ thủ tục hành chính trong hệ thống thông tin một cửa, dịch vụ công trực tuyến theo quy định.

Một trong những căn cứ quan trọng tạo lộ trình và hành lang pháp lý cần thiết cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh là việc UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 1.0 giai đoạn 2018 – 2020. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo, tổ chức thực hiện và mục tiêu trọng tâm được tỉnh xác định trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đó là tạo thuận lợi trong việc giải quyết mau chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc; công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng và chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Đào tạo nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho cán bộ,
công chức, viên chức tại Sở Thông tin và Truyền thông

Có thể khẳng định việc hoàn thiện thể chế thông qua các văn bản được ban hành có ý nghĩa quan trọng, cụ thể hóa những nội dung cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng để các cấp, các ngành, địa phương minh bạch thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Xác định công nghệ thông tin là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế – xã hội, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình cải cách hành chính của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc đã chú trọng hoàn thiện cơ chế tài chính và đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Tỉnh thực hiện nghiêm nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Giai đoạn 2014 – 2019, tỉnh đầu tư 237 dự án ứng dụng, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Tỉnh đã phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 846 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, ngành, địa phương, với mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phổ biến, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đảm bảo an toàn,  an ninh thông tin

Tạo nền tảng vững chắc trong ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, công tác đào tạo nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được tỉnh quan tâm. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng, kỹ năng về an toàn thông tin và xử lý sự cố cho trên 30 lượt cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho 300 lượt cán bộ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, đa số các sở, ngành, UBND cấp huyện đã có lãnh đạo phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ cao đẳng trở lên.

Chia sẻ về hoạt động của Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, ông Trần Đức Năng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2014, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Hạ tầng thông tin thực hiện chức năng quản lý hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông dùng chung; liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo đảm an toàn, bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin và là đầu mối kết nối hệ thống mạng bên trong của tỉnh với các hệ thống mạng khác; xây dựng, quản trị các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung của tỉnh. Những năm qua, Trung tâm hạ tầng thông tin tỉnh đã duy trì vận hành an toàn, kịp thời khắc phục hàng trăm sự cố, không để hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành, địa phương bị gián đoạn; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo, hỗ trợ khắc phục sự cố mất an toàn thông tin tại các ngành, địa phương với hàng nghìn lượt hỗ trợ. Hiện đã có 24 sở, ngành, 9 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng gồm: tường lửa; lọc thư rác; phần mềm bảo mật/diệt virut; hệ thống cảnh báo truy cập trái phép; hệ thống ngăn chặn truy nhập trái phép…. Bên cạnh đó, các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh, ngành được đảm bảo bởi Trung tâm Hạ tầng Thông tin tỉnh với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin như: thiết bị tường lửa, phần mềm tưởng lửa, phần mềm antivirus.

Năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập an toàn thông tin các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I nhằm phát hiện, xử lý tấn công mã độc, ăn cắp dữ liệu quan trọng qua thư điện tử công vụ; phát hiện, xử lý Cổng thông tin điện tử cấp huyện bị tấn công chiếm quyền điều khiển, thay đổi nội dung, giao diện; phát hiện, xử lý tình huống tấn công từ chối dịch vụ vào Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh cho cán bộ quản trị mạng, phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

3. Nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và doanh nghiệp

Các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử.

Đến nay, Vĩnh Phúc có cổng thông tin điện tử của tỉnh và hơn 40 cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương đồng bộ về công nghệ. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đăng tải 1.981 thủ tục, dịch vụ, trong đó có 1.892 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2; 89 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa đồng bộ một phần mềm duy nhất, bảo đảm khả năng liên thông theo ngành dọc và quan hệ phối hợp ngang cấp đã được triển khai tại 166 cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh, trên nền tảng phần mềm ứng dụng tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã nâng cấp, xây dựng phần mềm Một cửa hành chính công có các tính năng đáp ứng chức năng, nhiệm vụ, phục vụ quản lý, theo dõi, báo cáo tình hình thụ lý, giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm. Hiện phần mềm đang phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ công tác giải quyết thủ tục hành chính được chính xác, nhanh gọn, phục vụ nhanh nhất người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được hoàn thiện và đưa vào vận hành phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện từ năm 2010 với 1 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 5 điểm tại các sở, ngành. 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp, đồng bộ, cài đặt tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, có kết nối liên thông với hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại Văn phòng UBND tỉnh. Các ban Đảng, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã xây dựng hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng thông qua đường truyền tốc độ cao Megawan. Việc duy trì, cập nhật, khai thác sử dụng các ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử và trao đổi thông tin trên mạng nội bộ, mạng diện rộng của các cơ quan Đảng thường xuyên được quan tâm thực hiện.

Báo cáo chỉ số Vietnam ICT Index năm 2018 cho thấy, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục giữ vị trí thứ 18 trong Bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, xếp hạng theo lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 21, tăng 11 bậc so với 2017; ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 27, tăng 1 bậc so với 2017.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển Robot tự động giúp Công ty cổ phần Á Mỹ
nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động cho công nhân

Đối với khối doanh nghiệp, những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức tốt về ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh và đạt hiệu quả cao. Nhiều phần mềm được ứng dụng như: phần mềm quản lý khách hàng, phần mềm quản lý nhân sự, kế toán; phần mềm quản lý hàng hóa; phần mềm quản lý cước; phần mềm tự động hóa…. Hiện 100% doanh nghiệp sử dụng internet phục vụ công việc; một số doanh nghiệp đã có website hoặc có kết nối giới thiệu sản phẩm trên mạng internet qua các ứng dụng Facebook, Zalo…. Hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai sử dụng các phần mềm văn phòng như Word, Excel…, thư điện tử và một số doanh nghiệp có triển khai sử dụng phần mềm ERP – phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng CNTT trong điều hành sản xuất là Công ty cổ phần Á Mỹ, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch. Để tăng cường hiệu suất làm việc cho các bộ phận, công ty đầu tư phần mềm Basework vào quản lý điều hành toàn hệ thống; ứng dụng phần mềm Meliasoft vào phục vụ nghiệp vụ kế toán, đặc biệt, đầu tư hệ thống Robot đóng gói tự động sản xuất. Đây là hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín và tự động hoàn toàn, giúp đơn giản hóa việc sắp xếp, đóng gói và vận hành pallet, giải phóng sức lao động cho công nhân.

Các doanh nghiệp khác cũng đã ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử trong sản xuất kinh doanh. Hiện khoảng 70% các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, doanh nghiệp cung cấp điện, nước, viễn thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Hằng năm, tỉnh triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, đưa thương mại điện tử trở thành một ứng dụng phổ biến trong các doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Tiếp tục phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin hợp với đặc thù phát triển kinh tế của tỉnh. Tham mưu xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh để triển khai Chính quyền điện tử cấp tỉnh theo kiến trúc hướng dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng dùng chung, có tính nền tảng của chính quyền điện tử tỉnh như thư điện tử, cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng tại Trung tâm Hành chính công.

Bình luận